Muốn công nghiệp phải chuyên nghiệp

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI (LHP) diễn ra từ ngày 23 đến 27-11 tại Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Nhưng để trở thành “công nghiệp” thì sự đòi hỏi chuyên môn hóa tất cả các khâu từ ý tưởng, sản xuất, đến phát hành… đều phải rất cao.

Học sinh TP Vũng Tàu tìm hiểu về biển đảo Việt Nam nhân dịp Liên hoan phim. Ảnh: PHAN NGUYÊN TUYỂN
Học sinh TP Vũng Tàu tìm hiểu về biển đảo Việt Nam nhân dịp Liên hoan phim. Ảnh: PHAN NGUYÊN TUYỂN

Phim phải có khán giả

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng Phim Việt Nam trong thời kỳ Hội nhập quốc tế” diễn ra trong khuôn khổ LHP vào sáng 25-11, chủ trì là PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo LHP đã phân tích: Nền công nghiệp đòi hỏi sức mua, sức tiêu thụ rất lớn từ thị trường. Nền công nghiệp điện ảnh cũng đòi hỏi phải có khán giả đủ lớn và đa dạng ở nhiều hình thức, thể loại. Muốn như vậy, tất cả những nhân tố cấu thành nền công nghiệp điện ảnh phải chuyên nghiệp thật sự.

Điều đáng tiếc là hội thảo không có nhiều ý kiến tập trung để giải bài toán nêu trên mà thay vào đó chỉ là những ý kiến phê bình phim nghệ thuật, phim thương mại hoặc chỉ trích những sai sót đã xảy ra và thiếu những ý kiến xây dựng xác đáng. Một trong số những ý kiến đáng chú ý của NSƯT đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Đó là các trường đào tạo điện ảnh thiếu đi hẳn lĩnh vực sản xuất phim trong khi đây là một khâu cực kỳ quan trọng của nền công nghiệp điện ảnh. Thật trùng hợp khi những ngày gần đây, nhà sản xuất (NSX) phim Dung Bình Dương đã “tố” đơn vị phát hành là CGV bỏ rơi bộ phim “Ngốc ơi tuổi 17” của mình thông qua việc sắp xếp ít suất chiếu vào các khung giờ đẹp. Phía NSX Dung Bình Dương cho biết, đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng cho bộ phim, nhưng việc không có nhiều suất chiếu đã khiến bộ phim rơi vào tình cảnh thua lỗ và giờ chỉ còn biết kêu gọi mọi người hãy tăng cường xem phim để ủng hộ. Trong khi cũng có những ý kiến cho rằng, bộ phim được đón nhận hay không sẽ phụ thuộc vào khán giả, nghĩa là nếu đơn vị phát hành thấy khó có khả năng tiếp cận thì sẽ không chiếu quá nhiều.

Từ thanh lọc đến hỗ trợ

Nhà biên kịch Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho rằng: Hai nút thắt cần giải quyết của điện ảnh Việt Nam lúc này nằm ở khâu kịch bản và hệ thống phát hành. Kịch bản tốt giúp cho phim có thể tiếp cận với khán giả nhiều hơn trong khi hệ thống phát hành hiệu quả sẽ bảo đảm quyền lợi của các nhà làm phim. Nhưng làm thế nào để có một kịch bản tốt lại là câu hỏi đã được đặt ra từ rất lâu nhưng vẫn chưa có lời giải hoặc chưa ai chịu giải. Một điều dễ thấy hiện nay là ngoài những nhà biên kịch gạo cội, hiện nay vẫn chưa có những nhà biên kịch được xếp vào loại “ngôi sao”. Ngay cả những phim có doanh thu khủng, thường người ta chỉ nhắc đến đạo diễn, diễn viên hay NSX và hiếm khi nào nhắc đến biên kịch. Cũng chính vì điều này nên thù lao viết kịch bản cũng rất vô chừng và không có một khung xác định. “Nếu chúng ta có những kịch bản được trả thù lao lên đến hàng tỷ đồng và công khai thì không lo đến việc thiếu kịch bản hay”, nhà biên kịch Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.

Về vấn đề phát hành, đã có rất nhiều ý kiến về việc phải có giải pháp dung hòa giữa quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như những nhà làm phim trong nước bằng hạn ngạch, tỷ lệ phim Việt Nam mà các cụm rạp phải chiếu. Theo ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Điện ảnh, trước khi chờ đợi những thay đổi về mặt tỷ lệ thì chính những nhà làm phim phải nâng cấp chất lượng của sản phẩm cũng như số lượng các bộ phim hay của mình để thích nghi với thị trường. Còn theo nhà biên kịch Nguyễn Huy Hoàng, các cụm rạp chiếu có vốn Nhà nước, hoặc vốn của tư nhân trong nước cần có những giải pháp và công bố rõ ràng để trở thành “vùng đệm” hỗ trợ cho phim trong nước. Đơn cử, nếu một bộ phim được đánh giá cao về tính nghệ thuật, nhưng kén khán giả, các cụm rạp có vốn Nhà nước có thể bảo đảm những suất chiếu nhất định để phim tiếp cận với khán giả. Nhưng nói như một thành viên Ban giám khảo của LHP, là đã đến lúc tất cả nhà làm phim phải rạch ròi, chuyên nghiệp, nếu nói rằng phim mình kén khán giả nhưng có tính nghệ thuật, thì phải chứng minh được bằng các giải thưởng ở các cuộc thi, nhận được sự đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Nếu bảo đảm được các yếu tố này thì sự hỗ trợ từ phía Nhà nước mới bảo đảm được tính hiệu quả.