Lừa tiền tinh vi qua điện thoại

Bạn đọc viết:

Nguyễn Thị Liên (quận Ba Đình, TP Hà Nội)

Vừa qua, gia đình tôi được một phen tá hỏa với mánh lừa đảo qua điện thoại vô cùng tinh vi. Ban đầu, những kẻ lừa đảo gọi cho tôi bằng một số điện thoại gần giống hệt số của nhà mạng. Sau này khi “soi” lại kỹ, tôi mới để ý rằng hai số chỉ khác ở mã quốc gia. Người ở đầu dây bên kia giới thiệu là nhân viên tổng đài, thông tin việc số điện thoại tôi đang thuê bao có liên quan đến một số vụ việc phạm pháp.

Tôi sẽ không bao giờ tin điều trên, nếu như “tổng đài viên” không cung cấp đầy đủ tên họ và toàn bộ dãy số Chứng minh thư nhân dân của tôi. Thậm chí, trong điện thoại, tôi còn nghe loáng thoáng nhiều “tổng đài viên” đang liên hệ với những thuê bao “nghi vấn” khác. Trong lúc tôi còn hoang mang chưa kịp phản ứng, “tổng đài viên” của tôi đề nghị nối máy với đại diện cơ quan chức năng để “tiếp tục điều tra, làm rõ”. Ở đầu máy bên kia bỗng xuất hiện một người đàn ông, giới thiệu là cán bộ của “cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an”, cấp bậc đại úy. Để người bị hại là tôi tin tưởng hơn, vị “đại úy” đọc một “bản cáo trạng” dài lê thê, cáo buộc tôi thuộc diện tình nghi buôn bán ma túy, rửa tiền qua tài khoản ngân hàng với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. “Cán bộ cơ quan cảnh sát điều tra” cho biết, hiện những nhân viên ngân hàng liên quan đến vụ việc đều đã bị bắt. Đồng thời, yêu cầu tôi không đi khỏi nơi thường trú, giữ liên lạc bằng cách kết nối Zalo thông qua một số điện thoại di động.

Ngay khi tôi vừa kết nối, tài khoản Zalo kia gửi cho tôi một… bản cáo trạng với dấu mộc, chữ ký loằng ngoằng. Vị “cán bộ” sau những pha diễn “đỉnh cao” cũng bắt đầu “vào bài”: yêu cầu tôi cung cấp mọi số tài khoản ngân hàng cá nhân để phục vụ điều tra. Đến đây thì mọi việc đã rõ ràng, tôi nổi cáu nói với hắn rằng: không bao giờ một cán bộ công an lại đòi kiểm soát tài khoản ngân hàng của nghi phạm, nghi can. Ngay lập tức, tên “cán bộ” lừa đảo nhanh chóng tắt máy, chặn Zalo của tôi.