Lợi bất cập hại

Bạn đọc viết:

Đinh Hồng Nhung (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Vừa qua, trước sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm cho những người trở về từ tâm dịch Đà Nẵng. Nhìn chung, nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho tiến trình xét nghiệm đều được chuẩn bị tương đối đầy đủ, nhưng đâu đó vẫn còn những “hạt sạn” cần xử lý ngay.

Nơi tôi tham gia xét nghiệm là Trạm y tế phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Do mặt bằng của trạm quá nhỏ, nên ngay từ sớm, dòng người đến xét nghiệm đã tạo nên một tình cảnh lộn xộn, ồn ào, mất tổ chức. Với quân số ít ỏi vì không lường trước tình hình, các nhân viên y tế tại đây không đủ để ổn định tổ chức, hướng dẫn người dân xếp hàng, tiến hành xét nghiệm theo trình tự. Vì thế, sân trạm y tế lập tức bị quá tải với cả trăm người đứng ngồi lộn xộn, chen chúc, tranh cãi, bàn luận ầm ĩ về cách thức xét nghiệm. Nhân viên y tế thì lúng túng, làm việc chậm, thậm chí liên tiếp lẫn lộn người này với người kia trong quá trình xét nghiệm. Người trong khoảng sân “tí hon” cứ thế ngày một dày đặc, phải đứng tràn ra đường. Có những người già, trẻ nhỏ mệt mỏi vì chờ đợi, đã phải ngồi tạm ở quán trà đá, cửa hàng giải khát, ăn nhanh… chung quanh trạm y tế. Yêu cầu về giữ khoảng cách an toàn không thực hiện được đã đành, lượng vật tư y tế cần thiết cũng không bảo đảm. Dung dịch sát khuẩn tay hết cũng chẳng có ai bổ sung, người đến xét nghiệm “quên” khẩu trang cũng không có ai nhắc nhở… 

Xét nghiệm cho cả nghìn người trong một ngày không phải việc đơn giản, nhất là với những căn bệnh nguy hiểm như Covid-19. Nhân viên y tế vì vậy cần phải được bảo đảm số lượng cũng như chất lượng chuyên môn. Trong trường hợp thiếu thốn nhân lực, vật lực, cần nhanh chóng phối hợp các đơn vị, cơ quan liên quan, nhất định không thể để xảy ra tình trạng thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng như tình trạng “lợi bất cập hại” mà tôi đã gặp.