Lộ thông tin khi đi máy bay

Bạn đọc viết:

Phan Tấn Đàm (quận 1, TP Hồ Chí Minh)

Lâu nay, việc một số đơn vị cung cấp dịch vụ làm lộ thông tin cá nhân của khách hàng đã trở thành chuyện “cơm bữa”. Họ tên, số điện thoại và thậm chí địa chỉ, công việc của khách hàng thường xuyên bị ngấm ngầm trao đổi, mua bán. Càng nhiều người sử dụng dịch vụ theo phương thức trực tuyến, thì càng có nhiều nguy cơ khiến thông tin trở thành “món hàng”.

Do tính chất công việc hay phải di chuyển giữa các tỉnh, thành phố, nên tôi sử dụng máy bay khá thường xuyên. Không hiểu bằng cách nào mà các hãng taxi thường nắm rất rõ lịch và lộ trình bay của tôi. Bằng chứng là mỗi khi chuẩn bị đến ngày tôi đi công tác, thì lại có cả chục tin nhắn gửi đến điện thoại của tôi để quảng cáo dịch vụ taxi sân bay. Nhiều lúc tôi còn chưa kịp ra đến sân bay chiều đi, đã lại tiếp tục có hàng chục tin nhắn khác giới thiệu hãng taxi ở chiều đến. Tôi rất khó chịu vì không biết làm thế nào để không phải nhận những tin nhắn kiểu như vậy. Bởi đã đi làm ăn mà còn chặn số điện thoại lạ thì chẳng khác nào tự chặt tay mình. Đó là chưa kể tới nguy cơ thông tin cá nhân của nhiều người có thể lọt vào tay những đối tượng xấu có ý đồ vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng xâm nhập, tấn công các loại tài khoản, dữ liệu gắn với thông tin cá nhân.

Được biết, việc để lộ, tiết lộ thông tin khách hàng khi chưa được phép là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Theo điểm b, khoản 1, Điều 226, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, người phạm tội có thể bị phạt tù tới bảy năm. Thế nhưng, mặc cho thực trạng trao đổi, mua bán thông tin khách hàng tồn tại đã rất lâu và ngày càng có xu hướng tăng nhanh, tôi vẫn chưa bao giờ thấy các cơ quan có thẩm quyền mở những cuộc điều tra, truy quét và xét xử các đối tượng trục lợi từ thông tin khách hàng. Để đến nỗi, khách đi máy bay rồi cũng trở thành “con mồi” của nạn đánh cắp, mua bán thông tin cá nhân.