Lo ngại xuất khẩu lao động gặp khó khăn

Dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng không ngoại trừ, dịch bệnh đã làm giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển được lao động, không có đơn hàng.

Kiểm tra sức khỏe cho người lao động trước khi đi xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.
Kiểm tra sức khỏe cho người lao động trước khi đi xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

Đơn hàng giảm quá nửa

Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới. Điều này cũng tác động không nhỏ tới hoạt động XKLĐ, nhất là với các doanh nghiệp (DN) phái cử đưa lao động (LĐ) đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản (hai thị trường trọng điểm XKLĐ của Việt Nam).

Ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty XKLĐ LOD cho biết, hiện tại hoạt động XKLĐ của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại là chưa thể tính hết. Tuy vậy, thời điểm này công ty không đặt nặng vấn đề mở rộng thị trường, tăng trưởng kinh tế mà chỉ chú trọng hơn tới vấn đề bảo đảm an toàn cho LĐ và phòng dịch Covid-19. Theo ông Tân, hiện nay công ty đang đưa LĐ đi hai thị trường chính là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại Hàn Quốc chủ yếu đưa LĐ đi làm thuyền viên nghề cá, tại Nhật Bản đưa LĐ đi làm trong các ngành xây dựng, dịch vụ, dịch vụ y tế... Cả hai thị trường này đều đang là tâm điểm của dịch bệnh, vì vậy hoạt động XKLĐ của công ty cũng chịu tác động rất nặng nề. “Quá nửa đơn hàng của công ty phải tạm dừng, hủy, hoặc chuyển hướng sang các tháng 4, 5, 6 hoặc xa hơn. Với các đơn hàng với đối tác truyền thống, không thể hoãn, chúng tôi thực hiện tuyển dụng online, qua skype, zalo. Việc tạm dừng tuyển dụng từ hai phía về lâu dài sẽ tác động lớn tới hoạt động XKLĐ của công ty và các đối tác”, ông Tân nói.

Công ty XKLĐ LaCo cũng cùng chung số phận. Từ hai tháng nay, việc tuyển dụng LĐ của công ty gặp khá nhiều khó khăn. Nhất là vào đợt dịch thứ hai, khi số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 ở Việt Nam tăng cao. Ông Vũ Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Laco cho biết: “Trước Tết, mỗi tháng công ty đưa 100 - 250 LĐ đi xuất cảnh, thế nhưng giai đoạn này công ty hạn chế đưa LĐ ở mức thấp nhất có thể. Chỉ đưa LĐ có lịch bay, còn lại đơn hàng mới cũng không tuyển được LĐ”. Ông Hoàng cũng cho biết, hiện tại công ty gần như không có đơn hàng mới. Dịch bệnh kéo dài thêm hai - ba tháng nữa công ty chắc phải dừng hoạt động.

Tìm giải pháp hỗ trợ DN

Để hỗ trợ DN, bảo đảm sức khỏe cho LĐ, liên tiếp trong nhiều tháng qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có công văn gửi các DN và các đơn vị có liên quan thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Cục Quản lý LĐ ngoài nước yêu cầu các đơn vị tạm dừng xuất cảnh lao động với những LĐ đi làm việc tại vùng đang có dịch. Nếu phải thực hiện xuất cảnh DN lưu ý không được cho lao động quá cảnh tại sân bay trong vùng dịch.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý LĐ ngoài nước cho biết, Cục đã nắm bắt được những khó khăn trong hoạt động của các DN XKLĐ. Trước mắt, cơ quan quản lý chỉ hỗ trợ về chủ trương, giải pháp. Còn về chủ trương chung thì Chính phủ đang xem xét khả năng giãn nợ, giảm thuế, phí và chính sách BHXH cho DN.

“Về cơ bản Cục chưa điều chỉnh mục tiêu XKLĐ năm 2020 (phấn đấu đưa hơn 12.000 LĐ đi XKLĐ), Cục vẫn thường xuyên chỉ đạo các DN thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch. Với những thị trường lớn đang chịu tác động mạnh từ dịch bệnh như: Hàn Quốc; Nhật Bản; Đài Loan (Trung Quốc)... thì tạm thời hoãn, chuyển xuất cảnh cho LĐ. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sức khỏe cho người LĐ”, ông Liêm nói.

Hiện, có hơn 300 DN được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản, hầu hết các DN đang chịu tác động từ dịch bệnh. Hiện, Cục Quản lý LĐ ngoài nước cũng đang bàn bạc với các doanh nghiệp tìm hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn giúp DN tiếp tục hoạt động.

“Hiện nay, Trung tâm đã siết chặt việc kiểm tra sức khỏe cho LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Rất may các LĐ Việt Nam đi xuất cảnh trong đợt 1 (tháng 1-2020) đã đến Hàn Quốc an toàn. Tuy nhiên, đợt xuất cảnh lần hai tới đây (tháng 5-2020) trung tâm sẽ nghiên cứu kỹ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh để quyết định. Nếu dịch bệnh được khống chế tạm lắng có thể thực hiện xuất cảnh cho LĐ còn nếu không, sẽ phải lùi thời gian xuất cảnh của LĐ”. Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH).