Làm giảm chức năng phòng hộ của rừng ven hồ Núi Cốc

Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định chung quanh là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường có vai trò là “lá phổi”, tạo cảnh quan cho hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, do chủ yếu là rừng keo, trong khi đó trồng rừng thay thế còn bất cập nên nơi này đang mất dần chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Người dân sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, chủ yếu là trồng keo, nên rừng mất dần chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Người dân sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, chủ yếu là trồng keo, nên rừng mất dần chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Tự ý mở đường gây ảnh hưởng đến rừng

Tuyến đường từ trụ sở xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) được đầu tư xây dựng vào xóm 10, xã Phúc Tân chạy ven hồ, một số đoạn giáp rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương.

Tuy nhiên, từ tuyến đường này, có nhiều nhánh đường được san ủi, mở lên mãi trên núi, một số đảo để phục vụ khai thác rừng. Đáng chú ý đây là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Theo phản ánh của ông Lương Văn Ngọc ở xóm 10, xã Phúc Tân, có tình trạng một số chủ rừng, người dân địa phương mua rừng rồi thuê máy ủi mở đường, sửa chữa mở rộng lối mòn lên các khu rừng, thuê thanh niên địa phương khai thác, thuê ô-tô lên vận chuyển gỗ đi tiêu thụ.

Những con đường đất đủ cho ô-tô đi xuất phát từ đường bê-tông dân sinh được mở ngoằn ngoèo theo thế núi, vắt mãi lên các khu rừng để khai thác gỗ. Đứng tại xóm 10, nhìn sang xóm 1 Đồng Vầu ở bên kia hồ, sẽ thấy ngay con đường lâm nghiệp do người dân địa phương tự ý mở ngay sát mép nước hồ Núi Cốc, bên trên là đồi núi đã bị khai thác trắng để trồng rừng mới. Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên Vũ Văn Phán cho biết: “Chúng tôi đã quy hoạch đường lâm nghiệp để vận suất, phục vụ khai thác, trồng rừng thay thế, phòng cháy chữa cháy rừng. Những tuyến đường được mở phải đúng quy hoạch, do chính quyền cấp huyện và cơ quan có thẩm quyền mở, còn người dân tự ý san ủi đường là sai”.

Người dân tự ý mở đường lên rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc nhằm mục đích khai thác rừng, đang gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học của rừng phòng hộ. Hạt phó Hạt Kiểm lâm Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc Đỗ Đình Trường thừa nhận: “Việc người dân xã Phúc Tân tự ý mở đường lâm nghiệp để khai thác rừng là sai, chúng tôi đã xử phạt một trường hợp theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục chung. Việc quản lý, ngăn chặn việc mở đường lên các khu rừng cần có sự vào cuộc của chính quyền xã”.

Cần trồng rừng thay thế bằng cây bản địa

Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc rộng hơn 3.400 ha, trong đó người dân được giao quản lý gần 1.000 ha, chủ yếu là cây keo. Từ xa nhìn rừng như một tấm áo rách, nhiều khu, khoảnh rừng bị khai thác nham nhở. Gia đình anh Hà Tiến Dũng ở xóm 10, xã Vạn Thọ vừa khai thác hơn một ha rừng keo thuộc rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc. Khai thác xong anh Dũng cho đốt để xử lý thực bì, đào hố và tiếp tục lại trồng keo. Người nhà anh Dũng cho biết: “Ở khu vực này, chưa có cây gì giá trị kinh tế và nhanh cho khai thác hơn keo”.

Theo quy định của Quy chế quản lý rừng phòng hộ, người dân được khai thác theo lô, khoảnh với diện tích tối đa là 3 ha, sau đó trồng rừng thay thế hoặc khai thác tỉa thưa, để lại tối thiểu là 600 cây/ha. Trên thực tế, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc phần lớn là cây thuần loài (cây keo) nên đến tuổi thì phải khai thác, còn nếu để 600 cây/ha theo quy định thì cây sẽ bị nghiêng, đổ, xẻ cành, nên không có chức năng phòng hộ. Do đó, cái gọi là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc thực chất là… rừng sản xuất. Ông Vũ Văn Phán cho biết: Hằng năm, tỉnh vẫn có dự án trồng thay thế rừng phòng hộ hồ Núi Cốc bằng cách trồng xen cây thuần loài với cây bản địa (trám, xấu, mít...) để có chức năng phòng hộ, nhưng do quản lý, chỉ đạo, giám sát chưa tốt nên người dân không trồng, mà chỉ trồng cây keo vì nhanh được thu hoạch.

Khắc phục những bất cập nêu trên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần nghiêm cấm người dân tự ý mở đường trái quy định để khai thác gỗ; giám sát việc trồng rừng thay thế bằng những cây bản địa để tăng cường chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu du lịch này.