Lạm dụng chất nổ, thương tật cả đời

Vì lợi ích trước mắt mà tại một số địa phương ở Nam Trung Bộ vẫn còn tình trạng người dân sử dụng chất nổ, đầu đạn vô tình đào được trong quá trình lao động để phục vụ cho mục đích đánh bắt thủy, hải sản.

Một số ngư dân vẫn có thói quen dùng mìn đánh bắt thủy, hải sản.
Một số ngư dân vẫn có thói quen dùng mìn đánh bắt thủy, hải sản.

Vài tiếng liều lĩnh, thương tích khắp người

Những ngày đầu năm 2020, với ông Cao Hà D (xã Khánh Bình, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh. Mỗi lần nhìn xuống vết thương chằng chịt sẹo từ cổ kéo dài xuống chân, ông D lại rưng rưng nước mắt. Trong một chiều nắng vã mồ hôi, ông D đi cuốc vườn thì nghe tiếng kêu lạo xạo, càng cuốc càng kêu. Bằng kinh nghiệm của những lần trước, ông D nhận ra mình đã gặp ổ đầu đạn nên gom hết về, cưa ra chế tạo thành một số đùm thuốc nổ mang xuống các sông trên địa bàn Khánh Vĩnh để cho nổ đánh bắt cá. Ngòi nổ cháy quá nhanh, tung ra sông không kịp.

Khi đưa đến Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa cấp cứu, toàn bộ vùng mặt, môi dưới, cổ, thành ngực ông D đều rách và rộp da. Cổ tay và bàn tay phải dập nát, tay trái thì nham nhở, vết thương phức tạp. Xác định đây là ca nặng vì dùng chất nổ lượng lớn, chậm trễ có thể nguy kịch ngay nên bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu với sự phối hợp của ba chuyên khoa: Ngoại lồng ngực; Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình và Tai - Mũi - Họng. Sau nhiều lần phẫu thuật, đầu tháng 5, ông D mới có thể tự vận động và đi lại.

Suýt mù lòa cả hai mắt, ông Lê Văn Thuận (Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng tâm sự: Biết rõ bị cấm dùng mìn để đánh bắt hải sản nhưng muốn tranh thủ kiếm thêm để có thu nhập trong những ngày đầu năm, nên đã liều mình dùng chất nổ. Khi bị thương, mắt bỗng tối sầm, toàn thân xây xước. Phải trải qua hơn hai tháng điều trị mới bớt những cơn đau dữ dội. Từ giờ không dám sử dụng nữa.

Theo đánh giá của Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa: Hàng năm vẫn phải huy động các bác sĩ giỏi ở nhiều chuyên khoa để cứu sống kịp thời nhiều người nguy kịch vì tự dùng chất nổ. Điển hình như trường hợp ông D, nếu không kịp sẽ tử vong ngay. Thương tật vì hỏa khí có diễn biến rất phức tạp. Các vết thương từ nông đến sâu đều bị găm rất nhiều dị vật. Có trường hợp chỉ cứu được cánh tay còn các ngón tay không thể bảo tồn, phải tháo một phần các xương cổ tay. Có người suýt đứt khí quản, cuống họng. Với các tình huống này, các ê kíp phẫu thuật phải làm sạch và mở khí quản đặt Canula để giải quyết thông khí đường thở cho bệnh nhân. Nếu đa vết thương thì phải tỉ mỉ cắt lọc, làm sạch các dị vật, chất bẩn, lấy ra nhiều mảnh hỏa khí, khâu cầm máu.

Phải thay đổi thói quen

Thủng màng nhĩ, mất một vành tai vì hỏa khí, anh Nguyễn Văn H (Vạn Ninh, Khánh Hòa) tiếc nuối: Vẫn thường xuyên được tuyên truyền là không được phép dùng chất nổ, nhưng khi đi làm lượm được đầu đạn bỏ đi lại tiếc. Nhiều người đều có thói quen thế. Khi sử dụng cũng chỉ người nọ học lỏm người kia vậy là tự mình gây nên thương tích trầm trọng cho mình. Bị thương nặng từ nhiều tháng trước nhưng mãi đến đầu năm 2020, phải trải qua chín lần phẫu thuật tái tạo da trên khắp cơ thể, anh H mới cơ bản lành lặn.

Với hàng nghìn ngư dân ở Tuy Phong (Bình Thuận) nỗi lo về vấn nạn sử dụng chất nổ như càng thêm bộn bề bởi có nhiều vụ nổ kinh hoàng, làm rung chuyển cả tàu thuyền lại do ngư dân nơi khác đến gây ra. Ngư dân Phạm Văn Cường có 30 năm bám biển nhìn nhận: Mình thấu hiểu tác hại của chất nổ nên hằng ngày vẫn đến các xóm chài vận động người dân có chất nổ thì không nên tích trữ, phải giao nộp cho cơ quan chức năng ngay. Mặt khác, nhiều tàu còn phải gắn thiết bị giám sát lên nên ai hành động sai trái là biết ngay.

Nhiều lần mật phục và đuổi tàu, thuyền khi có dấu hiệu sử dụng thuốc nổ trên vùng biển Tuy Phong, anh Lê Tám cho biết: Chúng tôi sáng kiến ra cách dùng loa phóng thanh hoặc khi gặp tàu nào thì điều tra rõ lai lịch của tàu ấy. Nếu họ cố tình dùng thuốc nổ thì không chối cãi được.

Các ngư dân Tuy Phong vẫn nhớ như in cách đây không lâu, Tô Vương (30 tuổi, ngụ tận Lạc Sơn 2, Cà Ná, Thuận Nam, Ninh Thuận) nhưng lại rong ruổi tàu đến tận Tuy Phong mang theo 21 kíp nổ, 30 cm dây cháy chậm cùng với 2,1 kg thuốc nổ hòng đánh bắt kiểu hủy diệt. Khi bị phát hiện, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn và tiến hành khởi tố hình sự đối với Vương.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa khuyến cáo: Thói quen tự dùng chất nổ trước tiên là làm hại chính mình. Thường gặp nhất là các đối tượng sử dụng mìn để đánh bắt tôm, cá hoặc cưa các đầu đạn nhặt được khi lao động, sản xuất để lấy thuốc nổ và bán kim loại, phế liệu. Rất mong cộng đồng không nên dùng các loại mìn, súng đạn… hoặc những vật lạ không rõ nguồn gốc để tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.