Doanh nghiệp hàng không, đường sắt

Khó chồng khó

Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại một số địa phương đang nguy cơ thổi bay hy vọng phục hồi mới được nhen nhóm ở các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là các ngành hàng không và đường sắt. 

Ngành hàng không gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Ngành hàng không gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Hàng không đối mặt phá sản

Theo số liệu đặt chỗ của các hãng hàng không (HK), chỉ trong năm ngày, từ ngày 27 đến 31-7, ít nhất có 80 nghìn vé phải hoàn, hủy, chưa tính lượng vé đã được đặt mua và bay trong tháng 8 tới Đà Nẵng, Quảng Nam. 

Không chỉ các địa phương xuất hiện dịch bệnh mà hiện phần lớn khách đã đặt tour đi du lịch cũng đều thông báo hoãn, hủy vì e ngại đi máy bay. Bà Phạm Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch Thủ đô cho biết, đến thời điểm này, khoảng 70% khách của các doanh nghiệp (DN) thuộc câu lạc bộ đã thông báo hủy tour du lịch. 

Thời gian cao điểm về nhu cầu đi lại của người dân vào dịp hè đột ngột kết thúc sớm so dự kiến đã đe dọa nặng nề hy vọng phục hồi. Cục trưởng HK Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, 11 đường bay từ các cảng HK trong nước đi/đến Đà Nẵng với tổng số xấp xỉ 100 chuyến/chiều/ngày đã phải dừng hoàn toàn từ ngày 28-7. Thống kê trong những ngày qua cho thấy, so trước khi dịch bùng phát trở lại, số chuyến bay khai thác nói chung đã giảm khoảng 12%, lượng khách giảm khoảng hơn 30%. Trong ngày 30-7, các hãng HK chỉ khai khác 656 chuyến bay, chở hơn 93,5 nghìn hành khách. Tỷ lệ khách trên mỗi chuyến bay chỉ đạt khoảng 70%. Khả năng phục hồi nhanh chóng, mạnh mẽ của thị trường HK như đợt đầu là rất khó.

Đáng nói là dù từng đón đợt tăng trưởng nhẹ trong 99 ngày “bình thường mới” tuy nhiên doanh thu của các hãng HK đều sụt giảm. Lũy kế trong sáu tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu 24.934 tỷ đồng, bằng một nửa so cùng kỳ năm 2019 nhưng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế bị âm 6.542 tỷ đồng. Lỗ cơ bản trên mỗi cổ phiếu HVN tính đến tháng 6-2020 của Vietnam Airlines cũng đã lên tới 4.607 đồng.

Vietjet Air cũng lần đầu tiên kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận một quý kinh doanh thua lỗ. Theo đó, kết quả kinh doanh quý I - 2020 của Vietjet Air lỗ tới 989 tỷ đồng. Riêng Bamboo Airways cũng cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hãng bay mới này cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I - 2020. 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì không chỉ có lượng khách nội địa sụt giảm mà hy vọng sớm mở lại các đường bay thương mại quốc tế cũng càng trở nên khó khăn. 

Đường sắt lao đao

Cùng với đó, lượng khách của ngành đường sắt cũng sụt giảm nghiêm trọng khiến hàng chục đôi tàu phải tạm dừng chạy. Mới đây, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết sẽ giảm tàu Sài Gòn đi Nha Trang, Phan Thiết và ngược lại trong tháng 8. Thay vì chạy hằng ngày như hiện nay, tàu SNT2 (Sài Gòn đi Nha Trang) sẽ chạy các ngày thứ 5, 6 hằng tuần kể từ ngày 9-8; Tàu SNT1 (Nha Trang đi Sài Gòn) sẽ chạy các ngày thứ 7, chủ nhật hằng tuần kể từ ngày 10-8. Cũng trên tuyến này, tạm dừng chạy tàu SNT4 các ngày 5, 7, 12, 13, 14-8-2020; Tạm dừng chạy tàu SNT6 ngày 14-8-2020; Tạm dừng chạy tàu SNT3 các ngày 9, 15, 16-8-2020; Tạm dừng chạy tàu SNT5 các ngày 6, 13, 16-8-2020. Tuyến Sài Gòn - Phan Thiết, tạm dừng chạy đôi tàu SPT1/SPT2 xuất phát Sài Gòn, Phan Thiết các ngày 5-6, 11-13, 17-20, 24-27 tháng 8-2020; Tạm dừng chạy tàu SPT4 các ngày 8, 15-8-2020; Tạm dừng chạy tàu SPT3 các ngày 9, 16-8-2020.

Tại khu vực phía bắc, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng thông báo tạm dừng nhiều mác tàu trên các tuyến. Cụ thể, tuyến Hà Nội - Vinh, tạm dừng chạy đôi tàu NA1/NA2 từ ngày 3-8; Tạm dừng chạy tàu NA3 các ngày 6, 7 tháng 8-2020 và tàu SE36 Vinh - Hà Nội ngày 9-8-2020. Tuyến Hà Nội - Đồng Hới, tạm dừng chạy tàu SE19 từ ngày 2-8 tại ga Hà Nội; Tạm dừng chạy tàu QB2 từ ngày 3-8-2020 tại ga Đồng Hới. Tuyến Hà Nội - Lào Cai, tạm dừng chạy đôi tàu SP3/SP4 từ ngày 3-8-2020; Tạm dừng chạy tàu SP1 Hà Nội - Lào Cai các ngày 7, 14, 21, 28 tháng 8-2020.

Đáng nói là từ đợt dịch trước, việc dừng hoạt động hàng chục đôi tàu khách trên các tuyến đã khiến hơn 4.300 lao động phải nghỉ luân phiên, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Sau khi cả nước khôi phục trạng thái bình thường mới thì ngành đường sắt phải đưa ra hàng loạt chương trình kích cầu và đến đầu tháng 7-2020 mới có thể tăng tàu phục vụ khách du lịch. Vậy mà, chiến dịch vận tải hè mới được khoảng 10 ngày, nhân viên phục vụ trên tàu mới được quay lại làm việc thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Dự kiến, hàng nghìn người đã có kế hoạch đi du lịch bằng tàu đến các tỉnh, thành phố khác sẽ hủy vé không đi nữa. Hàng chục đôi tàu khách đã thông báo tạm dừng hoạt động. Điều này cũng đồng nghĩa việc người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm, thậm chí không có thu nhập. Khó khăn chồng chất khó khăn!