Khám, chữa bệnh từ xa

Lợi ích của việc triển khai khám, chữa bệnh (KCB) từ xa đã rõ, nhất là trong mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, khi thực hiện, mới thấy còn khó khăn, nhiều vấn đề cần giải quyết, nghiên cứu.

Giới thiệu phần mềm nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Giới thiệu phần mềm nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

1. Ngày 30-4, Bộ Y tế đã có Công văn số 2416/ BYT- CNTT gửi các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân y, Cục Y tế Bộ Công an và y tế bộ, ngành; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc triển khai hoạt động tư vấn KCB từ xa. Theo đó, các cơ sở y tế đẩy mạnh việc tư vấn KCB từ xa, KCB tại nhà; cơ sở y tế tuyến trên chịu trách nhiệm giúp cho cơ sở y tế tuyến dưới và hỗ trợ tư vấn cho người dân trên địa bàn.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19. Chưa kể thực tiễn KCB ở nước ta hiện nay cũng đang đòi hỏi các BV phải có thêm kênh khám bệnh từ xa nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa, giúp tư vấn KCB, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là không cần phải đến BV khi không cần thiết, giúp giảm tải cho BV, tránh lây bệnh.

Mới đây, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, trước mắt, các BV đa khoa trực thuộc Bộ Y tế sẽ phân công tối thiểu sáu bác sĩ trực thuộc sáu khoa (nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm và khoa khám bệnh) trực mỗi ca. Bệnh viện chuyên khoa phân công một bác sĩ trực mỗi ca tham gia tư vấn, KCB miễn phí cho người bệnh thông qua kết nối trên ứng dụng VOV BACSI24 tư vấn, KCB trực tuyến của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như trên điện thoại thông minh. Dự kiến, hơn 1.300 BV công lập trong cả nước có thể tham gia khám, tư vấn từ xa cho người bệnh trên ứng dụng này.

2. Bộ Y tế đã lựa chọn BV Đại học Y Hà Nội là đơn vị thí điểm triển khai mô hình chẩn đoán bệnh từ xa với một số BV vệ tinh và theo dõi quản lý sức khỏe người mắc bệnh mãn tính. PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, mục đích của việc ứng dụng KCB từ xa nhằm tổ chức hội chẩn trực tuyến giữa BV tuyến trên với tuyến dưới và nhằm giảm tải lượng bệnh nhân lên các tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động này. Vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể. Đơn cử, việc thanh toán KCB bằng thẻ bảo hiểm y tế cho các bệnh nhân sẽ như thế nào hay thanh toán chi phí đường truyền KCB trực tuyến cho các cơ sở y tế ra sao.

“Về mặt chuyên môn, để được thăm khám và chẩn đoán trực tuyến, bệnh nhân buộc phải tự đo huyết áp, đường máu, thân nhiệt, nội soi tai mũi họng, ghi điện tâm đồ. Mà các thiết bị y tế này không hề rẻ, chưa được cộng đồng, người dân tự sử dụng một cách phổ biến”, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Theo nhiều chuyên gia y tế, với một số nhóm bệnh như người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và bệnh mạn tính, bệnh nặng (ở bất cứ độ tuổi nào) có thể được theo dõi, thăm khám tại nhà trong cộng đồng như theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm: Bệnh đường hô hấp mạn tính: Hen phế quản, COPD, lao; bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim; đái tháo đường; bệnh lý thần kinh, tâm thần: Parkinson, xơ cứng tủy rải rác, tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, tâm thần phân liệt, động kinh; Bệnh thận mạn; bệnh gan mạn: viêm gan virus mạn tính, xơ gan; cắt lách; Bệnh suy giảm miễn dịch: HIV, tự miễn, đang dùng hóa chất; béo phì BMI > 40.

Với những đối tượng này thay vì đi khám hằng tháng hay tuần, giờ qua việc thăm khám hay tư vấn từ xa, có thể thông qua các chỉ số mà bệnh nhân cung cấp, bác sĩ có thể đánh giá và chỉ định thêm thuốc để giãn cách thời gian đi khám ở BV. Hội chẩn liên tỉnh cũng có thể giảm bớt phiền hà đi lên đi xuống, hội chẩn bằng hình ảnh trong phẫu thuật…

Cuối cùng, để có thể thụ hưởng hoạt động KCB từ xa, không phải người dân nào cũng có điều kiện để mua smart phone và cài đặt các phần mềm tương thích để có thể tải các ứng dụng này.