Hà Nam:

Khắc phục hậu quả dịch tả lợn châu Phi

Dịch bệnh đã gây tổn thất lớn về kinh tế của các hộ chăn nuôi, ngành nông nghiệp và ảnh hưởng lớn đến môi trường. Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi theo quy định của Nhà nước.

Tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi tại xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).
Tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi tại xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).

Mong sớm được hỗ trợ

Sau hơn bốn tháng xuất hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xảy ra ở hơn 5.400 hộ chăn nuôi tại 108 xã, phường, thị trấn. Tổng số lợn đã tiêu hủy hơn 73.100 con với trọng lượng khoảng hơn 4.300 tấn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, ở xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm là một trong những hộ đầu tiên của tỉnh Hà Nam có lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP. Ngày 4-3, toàn bộ đàn lợn hơn 200 con, trong đó có hơn 30 con lợn nái bị tiêu hủy khiến gia đình ông thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, gia đình ông vẫn để chuồng trại trống không mà chưa muốn tái đàn vì sợ dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Trong khi gia đình ông Thanh vẫn đang phải nợ ngân hàng hơn 300 triệu đồng. Giờ đây, gia đình ông mong sớm khống chế được dịch tả để người chăn nuôi sớm có thể tái đàn, ổn định chăn nuôi.

Cũng trong đợt dịch này, gia đình ông Nguyễn Xuân Điềm, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, có 131 con lợn phải tiêu hủy trong hai ngày 24-4 và 2-5 với tổng trọng lượng 8.900 kg, tổng thiệt hại khoảng hơn 400 triệu đồng. Ông Điềm cho biết thêm: “Ngoài nguồn vốn của gia đình tích cóp được, đa số các gia đình chăn nuôi như chúng tôi cũng phải vay thêm nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), như vừa qua, gia đình tôi vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện Lý Nhân. Chúng tôi mong muốn sau khi được nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước sẽ sớm tái đầu tư và bố trí trả vốn ngân hàng. Chuồng trại giờ bỏ không, chưa biết nuôi con gì”.

Hạn chế nguy cơ bùng phát

Để cùng nhân dân khắc phục những khó khăn do DTLCP gây ra, tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng, đánh giá đúng tình hình để đề ra các giải pháp tổng thể, cụ thể nhằm khắc phục thiệt hại do DTLCP gây ra; đồng thời đôn đốc các cấp, các ngành của tỉnh Hà Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ cho người dân theo quy định. Đây là nguồn lực rất quan trọng để các hộ có vốn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi hoặc chuyển sang các ngành, nghề khác.

Do ảnh hưởng của DTLCP, dư nợ cho vay của hai chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị thiệt hại hơn 25 tỷ đồng. Chỉ tính riêng huyện Bình Lục là nơi tập trung chăn nuôi lợn nhiều nhất trên địa bàn, đã có 200 hộ chăn nuôi vay vốn Ngân hàng NN&PTNT, dư nợ bị ảnh hưởng là hơn 46 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, Ngân hàng NN&PTNT đã triển khai thực hiện rà soát, bám sát tình hình thực tế các khách hàng vay vốn chăn nuôi để áp dụng các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với khách hàng như: giãn hạn nợ; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; miễn giảm lãi tiền vay khi có chủ trương của Ngân hàng Nhà nước; thu nợ gốc trước, thu lãi sau… Tiếp tục cho vay để chuyển đổi cơ cấu đầu tư sang mục đích khác như chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh… nếu hộ gia đình có nhu cầu. Đồng thời, cho vay mới, cho vay bổ sung để các hộ chăn nuôi lợn duy trì và tái đàn lợn khi dịch bệnh được kiểm soát và hạn chế không bùng phát.

Hiện nay, do Hà Nam đã có 100% số xã đã bị dịch tả khiến 20% tổng đàn bị dịch bệnh phải tiêu hủy, nên tỉnh luôn khuyến cáo người dân không được chủ quan. Tỉnh Hà Nam kiên quyết nếu trong khu vực chưa công bố hết dịch thì không chấp nhận cho bất kỳ hộ nào được tái đàn. Nếu nơi nào không có dịch thì vẫn ủng hộ chăn nuôi tái đàn bình thường, theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tìm mọi cách để khống chế, giảm tối đa, xử lý môi trường, phun thuốc để giữ được đàn lợn hơn 50%; chuyển hướng tập trung phát triển các vật nuôi khác…