Hạn chế nguồn lây dịch từ động vật

Ngoài con đường từ người sang người, nguồn lây virus từ các động vật hoang dã cũng rất cần ngăn chặn và xử lý để phòng, chống dịch bệnh. Phóng viên Thời Nay đã có mặt tại một trong những khu vực từng là tụ điểm tiêu thụ, cung cấp động vật hoang dã tại Hà Nam, Thái Nguyên.

Chốt phòng dịch và kiểm tra tại Sơn Cẩm, Thái Nguyên.
Chốt phòng dịch và kiểm tra tại Sơn Cẩm, Thái Nguyên.

1. Ngày 29-2, Phái đoàn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc cùng chuyên gia nước sở tại công bố báo cáo cho biết, virus corona chủng mới bắt nguồn từ động vật. Theo đó, virus corona chủng mới bắt nguồn từ động vật và các phân tích cho thấy dơi dường như là vật chủ. Tuy nhiên, vật chủ trung gian chưa được xác định và nghiên cứu xác định nguồn gốc virus vẫn đang được tiến hành. Ngoài dơi, các động vật hoang dã khác như chim, cầy hương, mèo rừng… cũng có thể là nguồn trung gian lây bệnh sang người. Bởi vậy, việc săn bắt, tàng trữ, vận chuyển thú rừng không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gia tăng khả năng lây lan virus trong cộng đồng.

Trước đây, một số khu vực thuộc các tỉnh Thái Nguyên và Hà Nam từng là địa bàn thu mua, tiêu thụ số lượng lớn các loại động vật hoang dã. Trong khi đó, một dọc đoạn đường thuộc xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng (Hà Nam) là hàng chục nhà hàng chuyên các loại chim rừng.

Trong lúc tình hình dịch Covid-19 phức tạp, mặc dù Thái Nguyên và Hà Nam chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với Covid-19 nhưng chính quyền và người dân đã có những hành động thiết thực để phòng dịch. Cụ thể tại Sơn Cẩm (Thái Nguyên), lực lượng cảnh sát giao thông không chỉ kiểm soát chặt hoạt động mua bán, vận chuyển động vật hoang dã mà còn đặt các chốt kiểm soát, khử trùng trên tuyến đường lên Bắc Kạn, nơi được coi là điểm đầu mối cung cấp động vật hoang dã. Người dân và các chủ nhà hàng cũng ý thức được khả năng lây nhiễm nên đã hạn chế việc thu mua, chế biến và tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, chủ quán Luân Thủy tại TP Thái Nguyên chuyên về thịt mèo cho biết: “Trước nay nhà hàng chúng tôi chỉ thu mua từ người chăn nuôi có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ. Nay có thông tin về dịch, chúng tôi lại càng cẩn trọng, ngoài việc kiểm tra nguồn gốc cẩn thận, việc vệ sinh tại khu chế biến, các nhân viên quán đứng cách xa thực khách và đeo khẩu trang là những yêu cầu bắt buộc”.

2. Với những người nông dân làm nghề chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép như ông Bạch Đình Chuân, sống tại xóm Làng Mạ, xã Động Đạt (Thái Nguyên), phòng dịch Covid-19 cũng là yêu cầu bắt buộc, để bảo đảm công việc kinh doanh của gia đình. “Mỗi năm tôi cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 - 7.000 con giống loài rắn hổ mang và một số lượng cầy hương nhất định. Tuy nhiên, tôi thường xuyên kiểm tra tình hình vệ sinh chuồng trại, sức khỏe vật nuôi và bảo đảm đầu mối nhập con giống ban đầu đều từ các nguồn có giấy tờ hợp pháp như các trại chăn nuôi tại Vĩnh Phúc. Mùa dịch năm nay, sự ảnh hưởng chính đối với gia đình tôi là việc suy giảm sức mua của thương lái và khả năng thị trường tiêu thụ ít hơn so những năm trước”, ông Chuân chia sẻ.

Thời gian qua, tại Hà Nam, số lượng các nhà hàng chim rừng ở trung tâm TP Phủ Lý giảm nhiều so các năm. Số lượng thực khách đến ăn tại các nhà hàng chim rừng ở vùng Kim Bảng cũng vắng bóng hơn trước nhiều. Chia sẻ về thực trạng này, chị Nguyễn Thị Nga, chủ nhà hàng Thứ Cò trên đường Lê Công Thanh, TP Phủ Lý cho biết: “Vào những ngày thường, nhà hàng phục vụ khoảng 10 - 20 mâm, nhưng kể từ khi có dịch, nhà hàng chỉ phục vụ khoảng 1 - 2 mâm/ngày hoặc có ngày không có khách. Bởi thế, nhà hàng hiện không thể nhập thêm. Trước đây, khi thực khách yêu cầu, nhà hàng có thể tìm mua các loài chim rừng quý để phục vụ. Từ sau khi có thông tin dịch Covid-19, chúng tôi cũng không nhập chim rừng săn bắt được mà lấy từ nguồn chăn nuôi. Sau khi nhập, các loài chim sẽ được giữ 15 ngày để theo dõi, sau đó mới đưa ra chế biến”.

Theo phân tích của anh Bạch Thanh Tùng, con trai ông Bạch Đình Chuân, dịch bệnh đang khiến cho các chợ động vật hoang dã ở Thái Nguyên, Hà Nam hay Bắc Kạn dần biến mất vì thương lái không thể xuất đi nước ngoài, người dân trong nước cũng không ăn vì e ngại lây nhiễm, cộng thêm những biện pháp xử lý mạnh tay của chính quyền. Nhưng đối với những mô hình chăn nuôi động vật hoang dã hợp pháp, có giấy phép từ các cơ quan chức năng, người chăn nuôi mong sẽ nhận được những sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, để bảo đảm cung ứng cho thị trường sau khi dịch bệnh qua đi.