Hà Nội sẽ làm gì để bảo vệ Di chỉ Vườn Chuối?

Thực trạng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đang bị tàn phá nặng nề đã được nêu trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà khoa học, cộng đồng dân cư tại khu vực di sản và cả Cục Di sản đã có tiếng nói xác nhận và đề nghị có biện pháp bảo vệ. Công việc tiếp theo thuộc về các cấp ngành văn hóa và chính quyền Hà Nội.

Người dân thôn Lai Xá nhặt những mảnh gốm cổ sót lại trên gò Mỏ Phượng vừa bị san lấp.
Người dân thôn Lai Xá nhặt những mảnh gốm cổ sót lại trên gò Mỏ Phượng vừa bị san lấp.

Bất ngờ và bức xúc

Báo Thời Nay số 1024 ngày 6-11-2019 đã phản ánh về tình trạng Di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) bị máy xúc san ủi, gây ra nhiều bất ngờ và bức xúc. Đặc biệt là tình hình di sản bị ảnh hưởng nặng nề đã thành hiện thực đáng buồn.

Được biết sáng 5-11, một đoàn các nhà khoa học đã vội vã vào hiện trường. Nhiều người bàng hoàng vì chỉ trước đó chưa đầy hai tuần, ngày 22-10, đã có hội thảo ngay tại công trường khai quật để báo cáo những kết quả khảo cổ mới nhất với sự hào hứng khẳng định thêm giá trị độc nhất vô nhị của khu di chỉ này. Nhiều người phấn khởi hy vọng Hà Nội sẽ có những quyết định thích đáng và kịp thời để bảo vệ khu di chỉ trước áp lực nặng nề từ những công trình xây dựng lớn đang ngày càng tiến sát tới khu vực khai quật khảo cổ học.

Nhiều ý kiến còn cho thấy nỗi tức giận vì máy thi công đã “tranh thủ” cả ngày nghỉ, giờ nghỉ để san ủi mà không có bất kỳ thông báo nào với các nhà khoa học. Trong khi trên thực địa, các nhà khảo cổ vẫn còn chưa kết thúc công việc của mình ở khu di chỉ Vườn Chuối, chưa bàn giao mặt bằng lại cho dự án. Việc thi công mà không có sự giám sát của các nhà khoa học đã không đúng với những chỉ đạo trước đó của thành phố về việc cần thận trọng gìn giữ khu di chỉ này. Việc “tranh thủ” san lấp đã đặt cả di chỉ và các nhà khảo cổ học trước một việc đã rồi.

Trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn

Nhiều người dân Lai Xá cùng chung tâm trạng với các chuyên gia và rất bức xúc trước thực trạng di chỉ bị xâm hại. Ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân Lai Xá đề nghị với Viện trưởng Khảo cổ, bày tỏ ý kiến chung của nhân dân ở đây: Tôi kính đề nghị ông Viện trưởng cho kiểm đếm cụ thể và đánh giá chính xác các thiệt hại của di chỉ do sự phá hoại nói trên gây ra kể cả giá trị về di sản văn hóa và về giá trị kinh tế…

Phó Cục trưởng Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thành đã xuống hiện trường kiểm tra và khẳng định có sự thi công tại gò Mỏ Phượng. Trong khi theo cam kết trước đó, là phải có sự giám sát của Viện Khảo cổ trong khi thi công. Ông Thành cho rằng: “Với báo cáo kết quả của Viện Khảo cổ học thì các cấp chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm chỉnh những khuyến nghị của cơ quan văn hóa”. Cũng theo ông Thành, ngày 7-11, Cục Di sản văn hóa đã thảo văn bản đề nghị thành phố cũng như các cấp chính quyền liên quan sớm vào cuộc đối với khu vực di chỉ Vườn Chuối để có những biện pháp kịp thời nhất trong việc điều chỉnh các quy hoạch, giám sát thi công nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến di chỉ. Trong dự thảo văn bản của Cục có đề nghị ngành văn hóa Hà Nội trình UBND thành phố sớm xem xét xếp hạng đối với di chỉ này.

Trong khi các nhà khoa học và người dân chủ sở hữu di sản đều bức xúc, lo lắng cho số phận của di chỉ Vườn Chuối thì các cấp quản lý ngành văn hóa của Hà Nội lại có vẻ… lơ là. Thậm chí, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoài Đức không hề biết việc san lấp đã diễn ra hơn một tuần. Công văn ngày 4-11 của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã không kiến nghị dừng việc thi công san lấp mặt bằng để xây dựng hạ tầng cho đến khi có những ranh giới chi tiết cho việc bảo tồn mà lại “đề nghị” (một cách không thực tế) các đơn vị chủ đầu tư xây dựng “tổ chức theo dõi phát hiện di tích, di vật trong quá trình thi công” “tại khu vực liên quan đến di chỉ Vườn Chuối cũng như các khu vực thi công khác”.

Trước những yêu cầu bảo vệ, bảo tồn di chỉ Vườn Chuối, trách nhiệm đang thuộc về phía các cơ quan hữu trách của Hà Nội. Câu hỏi về trách nhiệm và sự kịp thời trong bảo vệ, có biện pháp bảo tồn hiệu quả nhất hiện nay không chỉ đến từ người dân sở tại, từ các nhà chuyên môn, mà còn đến từ tương lai sự phát triển của chính khu vực này - một tương lai mà nếu biết tôn trọng và khéo léo giữ gìn, di chỉ khảo cổ học đặc biệt sẽ vừa là niềm tự hào, vừa là một đòn bẩy cho hoạt động văn hóa, lịch sử và phát triển kinh tế du lịch.