Giải pháp nào tăng khách quốc tế cuối năm?

Tại hội nghị toàn quốc bàn về cách thức tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam do Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức vừa qua ở Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng, để đưa ra các giải pháp mang tính lâu dài, bền vững, cần có một chiến lược cụ thể và lộ trình dài.

Cầu Vàng ở Khu du lịch Bà Nà, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Cầu Vàng ở Khu du lịch Bà Nà, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Khó đạt chỉ tiêu đề ra

Theo Tổng cục Du lịch, hiện tại lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Trong tháng 7-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1.315.792 lượt, đưa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong bảy tháng ước đạt 9.796.785 lượt. Trong khi đó, nhiệm vụ Chính phủ giao ngành du lịch thực hiện trong năm 2019 là đón và phục vụ khoảng 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế.

Đặt ra nhiều giải pháp để các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch cả nước có một chiến lược dài hơi, cụ thể lấy năm tháng cuối năm làm bước đệm để phát triển tăng lượng khách trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, du lịch Việt Nam phải quan tâm đến cả số lượng lẫn chất lượng. Các địa phương cần có các giải pháp xúc tiến, quảng bá, để nguồn khách đến từ các thị trường tiềm năng lâu nay tăng khoảng 0,5% thì mới đạt được chỉ tiêu tăng 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các địa phương trọng điểm về du lịch phải tìm giải pháp tăng khách du lịch quốc tế, trong đó tập trung các giải pháp trước mắt như đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, ký kết hợp tác, giải quyết các vướng mắc tìm cách để giữ được lượng khách đến từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các thị trường châu Âu. “Nếu như năm tháng này chúng ta không tháo gỡ được thì năm sau chắc chắn sẽ có những khó khăn. Vừa ngắn hạn là trong năm 2019 nhưng sẽ vẫn giải quyết những vấn đề dài hạn của những năm sau đó. Không phải vì một số điểm tại các thành phố du lịch có tình trạng quá tải mà cho rằng du lịch Việt Nam đã quá tải. Con số 18 triệu khách du lịch một năm vẫn còn rất nhỏ bé. Chính vì vậy, toàn ngành du lịch cần phải quan tâm các giải pháp kích thích tăng trưởng thị trường này cả về số lượng lẫn chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu.

Chú trọng nguồn nhân lực và quảng bá

Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực cho ngành du lịch hiện nay vừa yếu, vừa thiếu. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Trần Việt Trung nhìn nhận: Vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch hiện nay rất cấp bách khi nguồn cung chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó, chính sách visa cần linh hoạt và cần nhanh chóng xây dựng hình thức thanh toán bằng công nghệ số thay cho tiền mặt. Đồng quan điểm này, ông Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn cho rằng: Sự thiếu và yếu của lao động trong ngành du lịch hiện nay là bài toán nan giải, vì vậy cần tăng cường số lượng, chất lượng lao động ngành du lịch.

Muốn hút khách du lịch quốc tế, cần đa dạng hóa sản phẩm và hình thức xúc tiến, quảng bá phù hợp từng thị trường. Ông Lê Minh Tân đề nghị, cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, có tiềm lực về kinh tế, các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu trên thế giới. Trong khi đó, đại diện Vietnam Airlines đề nghị: Tổng cục Du lịch cần cân đối đa dạng nguồn khách từ các thị trường Bắc Âu, Ấn Độ, cùng với đa dạng hóa các đối tượng khách như MICE, Luxury tour, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh... Bên cạnh đó, phải xây dựng chương trình tổng thể để quảng bá điểm đến, đưa ra thông điệp chung để định hướng các đơn vị liên quan, phát triển, hút khách du lịch quốc tế cần có trọng điểm, trọng tâm và cần đổi mới quảng bá.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá, xây dựng gói sản phẩm kích cầu các thị trường tiềm năng, tăng cường hợp tác, trao đổi khách du lịch, bảo đảm an ninh trật tự môi trường du lịch… đã và đang là những đầu việc mà các địa phương trọng điểm du lịch quốc gia cần triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nếu giữ cách làm du lịch “khép kín” hay chỉ liên kết trên văn bản mà chưa đi vào liên kết thật sự giữa các địa phương đang là vấn đề nhất thiết phải giải quyết. Các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa… cần nối liền mạch để phát triển, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.