Giải bài toán ngập nước

Tình trạng ngập nước tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn xảy ra trên nhiều tuyến đường mỗi khi có mưa lớn và triều cường. Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.

Cần tập trung giải quyết tình trạng ngập nước tại TP Hồ Chí Minh.
Cần tập trung giải quyết tình trạng ngập nước tại TP Hồ Chí Minh.

Ngập nước vẫn “bủa vây” nhiều nơi

Theo đánh giá của các chuyên gia quy hoạch đô thị, nhìn chung, công tác xóa, giảm ngập nước tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung trong phạm vi 550 km2, chưa mở rộng đầu tư trên phạm vi toàn thành phố, nên tình trạng ngập nước vẫn còn xảy ra ở nhiều tuyến đường mỗi khi có mưa lớn và triều cường.

Theo ghi nhận, trong những cơn mưa xảy ra trong tháng 9 và đầu tháng 10 này, tại một số tuyến đường, khu vực dân cư thuộc một số quận, huyện nội thành và ngoại thành như: Đường Bình Chiểu, Tô Ngọc Vân, Linh Đông, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức); Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh); Phan Huy Ích, Lê Đức Thọ (Gò Vấp); Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Duy Trinh (quận 2)… đã xảy ra tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh buôn bán và việc lưu thông đi lại của người dân. 

Trao đổi với Thời Nay, GS, TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho hay, chương trình giảm ngập nước thành phố đi đúng hướng nhưng công tác thực hiện chậm và thiếu đồng bộ. Theo GS, TS Lê Huy Bá, thành phố không bố trí đủ vốn cho các công trình giảm ngập nước dẫn đến tình trạng thực hiện chưa có sự đồng bộ các ngành hạ tầng với nhau. Trong khi, thành phố đang phải đối phó tình trạng biến đổi khí hậu, mưa càng ngày càng lớn; mực nước triều cao hơn so với trước đây. 

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, do các dự án được duyệt theo tiêu chuẩn thiết kế quy định trong Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố đến năm 2020 nên trong điều kiện biến đổi khí hậu, khi mưa lớn vượt tần suất thiết kế vẫn xuất hiện ngập. Đồng thời, các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp, nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Do đó, một số tuyến đường đã được đầu tư vừa qua vẫn có khả năng xuất hiện ngập khi mưa lớn vượt tần suất thiết kế. 

Chống ngập tổng thể

Phản ánh mong muốn với chính quyền trong việc giải quyết ngập nước, bà Thái Thị Thanh Tâm, ngụ đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân) cho hay, cứ hễ mỗi lần triều cường lên, mưa lớn và mưa lớn kết hợp triều cường thì người dân sống trong khu vực này lại phải sống khổ sở do tình trạng ngập nước gây nên, nhà cửa phải kê cao đồ đạc lên cao, đi lại luôn bì bõm trong nước, rất mệt mỏi. “Thời gian tới, mong muốn chính quyền, cấp ngành thành phố sớm nâng cấp, mở rộng tuyến đường để người dân sinh hoạt hằng ngày bớt cực hơn”, bà Tâm gửi gắm nguyện vọng. 

Góp ý về giải pháp, PGS, TS Hồ Long Phi cho rằng, việc giải quyết tình trạng ngập nước bao trùm lên tất cả và cái có thể làm ngay là cơ chế, phải có bộ máy đồng bộ để giải quyết vấn đề này. Bởi hiện nay việc này giao về cho một phòng thuộc sở chuyên ngành và sở này không bao quát tất cả các hoạt động khác nên dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm rộng hơn 106 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại và không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 trong giai đoạn năm 2016 - 2020. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) thuộc địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp.

Song song đó, thành phố sẽ triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát và cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên. Hiện, thành phố đang tổ chức nghiên cứu thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, xác định quy hoạch và kế hoạch thực hiện xây dựng các hồ điều tiết để làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các dự án này.