Đừng tặc lưỡi cho qua

Những hệ lụy từ vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đặc biệt nghiêm trọng ở Khu công nghiệp (KCN) Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai khiến 10 người tử vong và nhiều người khác bị thương xảy ra đúng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020 đã tiếp tục đưa ra những cảnh báo thiết thực về việc chấp hành Luật ATVSLĐ.

Hiện trường vụ sập tường ở Đồng Nai khiến 10 người chết. Ảnh: Vietnamnet
Hiện trường vụ sập tường ở Đồng Nai khiến 10 người chết. Ảnh: Vietnamnet

1. Trước đó, khoảng 14 giờ 14 phút ngày 14-5, tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty cổ phần AV HEALTHCARE (Lô số 18, đường số 18, KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom) xảy ra vụ sập bức tường đang thi công cao khoảng 8 m, dài 109 m. Công ty TNHH Hà Hải Nga là đơn vị trúng thầu xây dựng và trực tiếp thi công công trình. Thời điểm xảy ra vụ việc có hơn 50 công nhân xây dựng đang làm việc. Bước đầu, công an xác định có ít nhất tám người tử vong tại chỗ, 17 người được đưa đi cấp cứu nhưng hai người tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom.

Điều đáng lưu ý, hầu hết những người lao động (NLĐ) làm việc tại công trình này đều chưa có hợp đồng lao động (HĐLĐ), chưa được quán triệt về an toàn lao động (ATLĐ).

Người làm việc không HĐLĐ hiện nay chủ yếu thuộc nhóm LĐ tự do, người làm việc trong những doanh nghiệp (DN) tư nhân, LĐ mùa vụ… Do không có HĐLĐ nên khi phát sinh các vụ việc họ rất khó đòi hỏi quyền lợi, thậm chí trắng tay. Theo Bộ luật Lao động, trong trường hợp NLĐ không có HĐLĐ, không tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn trong quá trình làm việc thì DN phải thanh toán mọi chi phí điều trị cho NLĐ. Nhưng trên thực tế, do “nắm đằng chuôi”, nhiều chủ DN lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của NLĐ để lách luật, tự thương lượng theo hướng có lợi cho mình.

Đối với LĐ mùa vụ, LĐ tự do, việc ký HĐLĐ bằng văn bản có thể gặp khó khăn, nhưng đối với những người làm việc liên tục trong thời gian dài ở các DN thì đây là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, không ít NLĐ do chưa hiểu rõ quy định, chỉ nghĩ làm công ăn lương, đến đâu chủ DN thanh toán đến đấy nên nhiều khi đã tặc lưỡi bỏ qua không cần hợp đồng. Thậm chí có NLĐ còn cho rằng, không có hợp đồng thì có thể tự do xin nghỉ nhiều ngày, sau đó có thể quay lại làm bất cứ lúc nào mà không lo bị phạt. Ngoài ra, có nhiều NLĐ do làm ở chỗ người quen nên cả nể, thậm chí không hiểu rõ quy định của pháp luật nên không ký kết HĐLĐ. Có người hiểu luật nhưng không muốn ràng buộc với DN, không muốn bị trích tiền đóng bảo hiểm nên không đề nghị ký kết HĐLĐ.

2. Theo Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Công ty Luật TNHH Nguyễn Nga và Cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội), căn cứ Điều 38 Luật ATVSLĐ năm 2015 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với NLĐ bị TNLĐ. Mức độ bồi thường hay trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ sẽ phụ thuộc vào yếu tố lỗi và mức độ suy giảm khả năng LĐ.

Một số nghĩa vụ điển hình của người sử dụng lao động đối với NLĐ bị TNLĐ như: Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ; trả đủ tiền lương cho NLĐ bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng LĐ; bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra; trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định; giới thiệu để NLĐ bị TNLĐ lập hồ sơ hưởng chế độ về TNLĐ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ; thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị TNLĐ trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra TNLĐ công bố biên bản điều tra TNLĐ đối với các vụ TNLĐ chết người; sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với NLĐ bị TNLĐ sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc…

Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho NLĐ nghỉ việc do bị TNLĐ bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.