Đừng lơ là với hiểm họa từ ban-công

Nhiều cảnh báo về hiểm họa trên ban-công các tòa nhà cao tầng lại được đưa ra, song dường như điều này vẫn chưa được một số người quan tâm.

Nguy cơ tai nạn từ ban-công chung cư cao tầng vẫn luôn tiềm ẩn.
Nguy cơ tai nạn từ ban-công chung cư cao tầng vẫn luôn tiềm ẩn.

1/ Vào khoảng 20 giờ ngày 19-4, một bé gái ba tuổi bất ngờ bị rơi xuống từ tầng 24 của tòa nhà G, chung cư Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) dẫn đến tử vong. Cách đây không lâu, tại chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) một bé gái treo mình ở tầng cao rồi rơi tự do xuống, rất may, em được anh Nguyễn Ngọc Mạnh may mắn cứu thoát trong gang tấc. Thực tế, không phải bé nào cũng may mắn được người lớn phát hiện, cứu giúp để không xảy ra sự việc đau lòng. Vì thế, người lớn cần chú ý, chăm lo, quan sát các bé thường xuyên bởi các vụ tai nạn xảy ra thường là trẻ em ở độ tuổi còn nhỏ, hiếu động. Khả năng nhận thức mối nguy hiểm của các bé còn thấp nên rất dễ rơi ngã khỏi ban-công khi không có người lớn trông coi.

Do nhu cầu công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày, người lớn đôi khi dành quá nhiều thời gian cho những việc khác mà lơ là không theo dõi trẻ, để từ đó xảy ra những vụ việc đáng tiếc bởi chỉ cần sơ sảy một chút là đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Gia đình chị Bùi Thị Hiền (KĐT Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) có view đẹp, nhìn được một khoảng thành phố rộng lớn từ ban-công. Chị bảo, ở trên cao không khí thoáng mát, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chị Hiền nhớ lại lúc con khoảng 4 - 5 tuổi, về nhà mới thích quá, chạy tung tăng rồi chui tọt ra rèm cửa phía ngoài. Hóa ra bé trèo lên thành ghế, chui ra sau rèm để nhìn rõ hơn cảnh đường phố bên dưới. Từ đó, chị thấy việc lắp lưới an toàn là cực kỳ cần thiết, nhất là với những gia đình sống tại các căn hộ tầng cao có trẻ nhỏ.

Hiện nay, phần lớn các thiết kế lan-can tại các công trình nhà ở đều phải đạt yêu cầu kỹ thuật xây dựng và phải được nghiệm thu mới đưa vào sử dụng. Trong đó, lan-can ban-công vừa phải chắc chắn, vừa khó trèo qua để ngăn ngừa rơi, ngã. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình cải tạo, sửa chữa và trang trí ban-công, nhiều hộ gia đình tự ý cải tạo và thêm một số bồn hoa, tiểu cảnh, thiết kế bàn bar, giàn treo… có thể cao hoặc thấp, hay bên cạnh ban-công còn đặt máy giặt và giàn phơi để tiện sử dụng. Thế nên, dù với một lan-can đủ chiều cao theo quy định, trẻ em vẫn có thể bắc ghế để leo lên hoặc đu lên dẫn đến bị ngã từ trên cao.

2/ Theo Quy chuẩn 04 (QCVN 04:2019/BXD) về Nhà chung cư và Quy chuẩn 05 (QCXDVN 05:2008/BXD) về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe, tất cả các lỗ mở đều phải cách sàn ít nhất 1,4 m (độ cao) để đề phòng trẻ em có thể chui qua hoặc ngăn ngừa những người có hành vi không bình thường hạn chế việc rơi, ngã. Quy chuẩn 05 quy định cụ thể đối với nhà cao tầng từ tầng chín trở lên phải bảo đảm chiều cao lan-can ít nhất là 1,4 m và cũng chỉ rõ cấu tạo của lan-can không được dễ leo trèo, không được làm thêm thanh ngang, thanh chéo để trẻ em có thể đặt chân lên. Còn khoảng cách giữa các thanh lan-can không được đút lọt quả cầu đường kính 100 mm.

Phần lớn các công trình nhà ở khi thiết kế đều phải tuân thủ yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn, đồng thời phải bảo đảm cả an toàn phòng, chống cháy nổ. Ban-công và lô gia có tác dụng lấy gió, ánh sáng nhưng đây còn là khoảng không gian an toàn nếu xảy ra cháy, nổ. Trong nhiều trường hợp, lực lượng cứu hộ phải tiếp cận từ ban-công, lô gia để giải cứu, vì thế, nếu lan-can, ban-công quá kín và không có lối thoát như trường hợp các nhà tập thể cũ lắp “chuồng cọp” sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc cứu hộ. Nhiều kiến trúc sư (KTS) cho rằng, các công trình nhà ở phải bảo đảm yêu cầu an toàn kết cấu hạ tầng, lan-can, cầu thang, phòng cháy, chữa cháy… Thế nhưng, nhiều chung cư trên địa bàn thành phố đã không thực hiện đúng các quy chuẩn này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mất an toàn cho trẻ em, thậm chí cả người lớn.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, hiện nay, nhiều chung cư làm kính cường lực ở ban-công để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Cửa sổ không được mở quá 15 độ và phải có song sắt hỗ trợ an toàn, tuy nhiên, việc lắp song sắt sẽ gây khó khăn cho công tác cứu hỏa. Các hạng mục trong chung cư đã thiết kế đúng, được nghiệm thu thì không khuyến khích người dân lắp lưới an toàn ở ban-công (có thể lắp ở lô gia) để bảo đảm tính thẩm mỹ kiến trúc của công trình và công tác phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ của mỗi gia đình, nhất là với các nhà có trẻ nhỏ, người thân gặp vấn đề bất ổn về tâm lý.