Đừng đối phó khi học trực tuyến

Bạn đọc viết:

Đừng đối phó khi học trực tuyến

Hiếu Nguyễn (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội):

Đăng ký một khóa học trực tuyến trên mạng, rất nhiều người trong nước đang tham gia. Đây là một tín hiệu rất tốt khi giáo dục trực tuyến phát triển, giúp cho những người ở các nước không có điều kiện kinh tế tốt, vẫn được tiếp cận những chương trình của các trường đại học hàng đầu thế giới. 

Tuy nhiên, khi hoàn thành khóa học và bắt đầu chuyển sang phần chấm bài thi - điều kiện quan trọng để nhận chứng chỉ cuối khóa, tôi mới phát hiện ra có những người học không thật sự nghiêm túc như mình nghĩ.

Học trực tuyến có một cơ chế linh hoạt là chấm điểm ngang hàng. Khi đó các học viên học cùng một khóa sẽ chấm bài cho các bạn cùng khóa của mình để kiểm tra xem bài đã đạt yêu cầu hay chưa. Đây là cách làm rất hiệu quả, áp dụng cho những khóa học trực tuyến mở với hàng chục nghìn người theo học, khi không thể có một giáo sư nào bỏ công ra để chấm trực tiếp tất cả các bài kiểm tra này. Tuy nhiên, một số người Việt Nam lại lợi dụng điều này để gian lận trong quá trình học và chấm thi trực tuyến.  Lợi dụng cách chấm bài này, có những học viên người Việt dù làm bài không tốt nhưng lại dùng mối quan hệ để nhờ các học viên khác chấm điểm cao. 

Nhiều lần tôi đã chấm bài kiểm tra được làm một cách đối phó của một số học viên trong nước. Họ nhờ bạn cùng lớp nhờ chấm hoàn thành để giúp qua môn. Tôi đã từ chối việc này và nhận được không ít sự khó chịu vì không hợp tác “giúp đỡ người Việt”. 

Được biết, hệ thống học trực tuyến đã có một cơ chế kiểm duyệt đạo văn đặc biệt nghiêm khắc chỉ dành riêng cho học viên… Việt Nam. Đó là vì hệ thống đã nhận thấy tình trạng sao chép tài liệu quá nhiều từ các học viên trước đó. Đây là một thực tế đáng lo ngại, ảnh hưởng đến uy tín của học viên Việt Nam trong cộng đồng học trực tuyến.