Đừng để “dịch chồng dịch”

Bạn đọc viết:

Phùng Bích Ngọc (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)

Những ngày vừa qua, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng và đặc biệt là những không gian chung ở các khu dân cư là tối cần thiết nhằm tránh bùng phát thêm những dịch bệnh theo mùa.

Ở Hà Nội, thời tiết liên tục thay đổi, mưa nắng thất thường là điều kiện lý tưởng cho côn trùng trong đó có muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, ý thức của nhiều hộ dân vẫn còn quá kém, công tác kiểm tra, tuyên truyền còn nhiều kẽ hở, chưa thiết thực, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhiều người nghĩ rằng, chỉ ở những gia đình vẫn còn chứa nước trong chum, vại thì mới dễ phát sinh ổ loăng quăng, bọ gậy. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Thậm chí, rất nhiều hộ dù “nhà cao cửa rộng” nhưng chẳng buồn giữ gìn vệ sinh. Trên sân thượng của một căn nhà bốn - năm tầng, dễ dàng thấy hàng đống chậu cây cảnh và cả thùng xốp trồng rau kiểu “tự cung tự cấp” để ngửa lên trời. Tất nhiên, sau các trận mưa xen kẽ những ngày qua, tất cả đều đã biến thành những “bể nước mini” đọng đầy rong rêu, tiềm ẩn ổ bệnh sốt xuất huyết và các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi giao mùa. Khó hiểu hơn, một số gia đình còn thiếu thái độ hợp tác mỗi khi có đoàn kiểm tra hoặc đoàn phun thuốc diệt muỗi. Hành vi này không chỉ gây ra sự lãng phí mà còn làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Tôi không hiểu vì sao nhiều gia đình sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua các loại thiết bị, dụng cụ chống muỗi cho bản thân, nhưng ý thức giữ gìn, phòng bệnh chung thì lại kém tới vậy? Liệu họ có biết rằng, mỗi năm, các bệnh viện ở nước ta tiếp nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn ca mắc sốt xuất huyết. Mọi phương án phòng, chống loại bệnh nguy hiểm này sẽ trở thành vô nghĩa nếu như ý thức, hiểu biết của người dân không được nâng cao.