Doanh nghiệp không mặn mà thu phí tự động

Chậm nhất đến 31-12, tất cả các trạm thu phí trên cả nước phải thực hiện thu phí điện tử tự động không dừng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn không mấy mặn mà với cách làm này.

Tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm còn thấp, đạt khoảng hơn 30% trong tổng số phương tiện đã nạp thẻ.
Tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm còn thấp, đạt khoảng hơn 30% trong tổng số phương tiện đã nạp thẻ.

Còn nhiều vướng mắc

Dự án thu phí tự động không dừng (DA TPTĐKD) được thực hiện từ năm 2017, sau gần ba năm triển khai, dù đã có nhiều giải pháp khuyến khích nhưng lượng phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ vẫn ở mức thấp.

Báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai DA TPTĐKD, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thừa nhận, DA đang gặp nhiều vướng mắc. Hiện mới chỉ có khoảng 700 nghìn trong tổng số ba triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ. Tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm còn thấp, đạt khoảng hơn 30% trong tổng số phương tiện đã nạp thẻ.

Thông tin từ nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, nếu có nhiều đầu xe sẽ phải nộp số tiền rất lớn vào tài khoản nhưng không được tính lãi suất. Đặc biệt, tài khoản giao thông chưa liên thông tài khoản ngân hàng nên khi chuyển khoản phải mất phí. Vậy khoản tiền phí này ai chịu? Đây là lý do chính khiến nhiều DN chưa mua thẻ thu phí tự động.

Với trên dưới 100 lượt xe chở hàng đi các tỉnh mỗi ngày, bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải 1 TRACO, Hải Phòng băn khoăn: Tiền phí giao thông đường bộ mà TRACO phải chi trả là rất lớn. Đơn cử như tuyến Hải Phòng - Lào Cai, tiền phí qua các trạm là gần bốn triệu đồng. Nếu mua thẻ TPTĐKD Etag, DN sẽ phải dồn một lượng tiền rất lớn vào tài khoản. Tiền lãi này ai sẽ là người được hưởng lợi? Xét về phía DN, chúng tôi thấy việc thu phí tự động thiệt thòi hơn so với qua trạm thu phí trả tiền mặt hằng ngày hoặc mua vé tháng.

Bên cạnh đó, ngay cả khi DN đã tự nguyện mua thẻ Etag, hệ thống các trạm thu phí BOT trên cả nước cũng chưa được đầu tư và lắp đặt đồng bộ hệ thống thu phí tự động, nên một thẻ không thể đi qua được tất cả các trạm thu phí. Muốn đi được, DN phải mua nhiều thẻ, tốn thêm chi phí trả tiền trước và gây nhiều phiền toái cho DN so việc đi qua trạm nào, trả tiền trạm ấy.

Sao cho hài hòa lợi ích bốn bên

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng: Việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong thu phí là xu thế tất yếu nên hiệp hội rất ủng hộ. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ GTVT nhằm hiện đại hóa hoạt động thu phí, bảo đảm việc thu phí minh bạch hơn, đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, thực hiện nhanh hay chậm là do có giải quyết hài hòa được lợi ích giữa bốn chủ thể: Nhà đầu tư BOT - nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động - người sử dụng dịch vụ đường bộ - Nhà nước hay không.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng đối với việc thanh toán dịch vụ TPTĐKD. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí bảo đảm liên thông, thuận lợi.

Về tiến độ triển khai các trạm thu phí, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, giai đoạn I của DA TPTĐKD có 26/28 trạm với hơn 160 làn. Trong đó, có hai trạm đã rút khỏi DA (trạm Bắc Giang - Lạng Sơn không lập trạm và trạm Cầu Rác). Đến tháng 8-2018, DA bổ sung thêm 18 trạm, nâng tổng số trạm giai đoạn I lên 44 trạm với 620 làn. Đến nay, đã triển khai được 29 trạm với hơn 160 làn. Riêng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) phải lắp đặt là năm tuyến/242 làn, hiện nay mới có vốn để đầu tư 15 làn (trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) còn 227 làn chưa có phương án đầu tư.

Được biết, trong giai đoạn II có tổng số 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cùng 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. DA đã hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn được liên danh Viettel - Vietinf - VVT - ITD là nhà đầu tư thực hiện từ tháng 5-2019. Trong giai đoạn II của dự án (BOO2), liên danh dự kiến sẽ triển khai giải pháp kết nối tài khoản ngân hàng Viettel Pay để thanh toán dịch vụ TPTĐKD. Đây được cho là giải pháp để giải quyết vấn đề lãi trong tài khoản. Ngoài việc thanh toán thu phí khi tham gia giao thông, người dân còn có thể dùng hình thức thanh toán mua sắm, tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình sử dụng.