Đô thị thông minh phải lấy con người là trung tâm

TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt thực hiện đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025”.

Kỹ sư điện Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh theo dõi hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu trên hệ thống SCADA.
Kỹ sư điện Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh theo dõi hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu trên hệ thống SCADA.

Những chuyển động bước đầu

Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025” được triển khai với kế hoạch xây dựng bốn trung tâm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm an toàn thông tin, Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong đề án này, UBND TP Hồ Chí Minh chọn khu phía đông là nơi để phát triển khu đô thị sáng tạo (ĐTST) vì có nhiều ưu thế như: diện tích rộng (bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) với nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi. Trong đó, hiện hữu đã có các đơn vị như khu Công nghệ cao; khu công nghiệp và khu chế xuất (quận Thủ Đức); khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; khu Văn hóa dân tộc. Ngoài ra, hạ tầng giao thông cũng khá hoàn thiện khi đã hình thành như tuyến Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cảng Cát Lái…

Theo đánh giá, việc hình thành khu ĐTST sẽ giúp kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ tài chính, thương mại hiệu quả. Cùng với đó, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ một cách hiệu quả trên cơ sở các hạ tầng và nguồn lực sẵn có và đầu tư mới trong tương lai.

Cần giải bài toán nguồn nhân lực

Mới đây, tại tọa đàm về chủ đề đô thị thông minh, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh thành phố đang triển khai lấy con người làm trung tâm, vì mục tiêu phục vụ và phát triển con người, vì hạnh phúc của mỗi gia đình.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, giải pháp quy hoạch tích hợp đa ngành là vấn đề cốt lõi khi triển khai một đô thị thông minh. Trong đó, ứng dụng công nghệ chính là nền tảng để xây dựng đô thị thông minh với mục tiêu hài hòa với thiên nhiên, phục vụ tốt nhất các tiện ích sống của người dân. Trong quá trình triển khai, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chú trọng chương trình nâng cao trình độ người dân về sử dụng các dịch vụ đã số hóa để người dân cùng đồng hành và trở thành nhân tố chia sẻ, thụ hưởng những kết quả của đề án đó. Đơn cử như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đề án này không chỉ nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính mà còn giúp người dân hưởng lợi từ các lĩnh vực trong cuộc sống như: y tế, giáo dục, đô thị, thủ tục hành chính,…

Trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, một trong những nguồn lực TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng đó là nguồn nhân lực. Cái khó của thành phố hiện nay là cần một đội ngũ có sự am hiểu và vận hành được các trụ cột về đô thị thông minh trong tương lai. Ngoài ra, một nguồn nhân lực đủ mạnh trong công tác nghiên cứu, triển khai các kết quả về trí tuệ nhân tạo nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Theo các chuyên gia, đây là nguồn lực thành phố có rất nhiều tiềm năng nhưng để tạo ra đội ngũ này thành phố sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Để có đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu, cần có sự liên kết của ba nhà: nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà nước. Ngoài ra, việc tiếp cận và làm chủ công nghệ thông qua các chương trình nghiên cứu, đầu tư hạ tầng, thiết bị nghiên cứu, chính sách hỗ trợ từ thành phố cần được thực hiện đồng bộ để các nghiên cứu có thể tiếp cận đúng các địa chỉ cần tới.

Còn PGS, TS Thoại Nam, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Công nghệ thông tin phục vụ Đô thị thông minh và Công nghệ 4.0 giai đoạn 2018 - 2023 cho rằng: kỷ nguyên 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Một trong những giải pháp thành phố cần triển khai là tạo điều kiện để các trường, viện tiếp cận và nghiên cứu tạo ra những ứng dụng hữu ích nhằm phát huy tính sáng tạo. Đây là giải pháp để tạo ra nguồn nhân lực một cách chủ động cho thành phố trong tương lai.