Để bảo vệ trẻ tốt hơn

Kể từ khi Luật Trẻ em được ban hành (ngày 5-4-2016), đối tượng trẻ em (dưới 16 tuổi) đã được pháp luật bảo vệ tích cực hơn. Tuy nhiên, các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra khá phổ biến. TP Hồ Chí Minh là một trong hai địa phương có số vụ xâm hại, bạo lực đứng đầu cả nước.

Trẻ em cần được vui chơi lành mạnh, an toàn.
Trẻ em cần được vui chơi lành mạnh, an toàn.

Xảy ra chủ yếu ở các khu lao động nghèo

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, từ năm 2011 đến 2019, toàn thành phố có gần 1.500 trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục ở nhiều mức độ. Riêng từ năm 2015 đến 2019, có gần 800 trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục. Trong số này có tới sáu trẻ bị tử vong, sáu trẻ bị thương tật, 14 trẻ bị rối loạn tâm thần, 86 trẻ có thai, chín trẻ phải bỏ học và 661 trẻ bị tác động khác về thể chất, tinh thần.

Thống kê cho thấy, độ tuổi trẻ bị xâm hại từ 13 - 16 tuổi chiếm 68,18%, từ 7 - 13 tuổi chiếm hơn 29%. Hầu hết các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ đều có mối quan hệ quen biết với trẻ, chúng lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng tự vệ của trẻ để dụ dỗ, lôi kéo trẻ nhằm thực hiện hành vi xâm hại. Trong ba năm trở lại đây, cơ quan điều tra hai cấp của TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 310 vụ với 220 bị can về các tội xâm hại tình dục trẻ em. Tuy vậy, con số này vẫn chưa phản ánh đúng những thực trạng về nạn xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em trên địa bàn. 

Hầu hết các vụ việc xảy ra thời gian qua cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt, một số đối tượng có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội. Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới. Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ xảy ra trên địa bàn sinh sống của người lao động nghèo, khu dân cư có nhiều người lao động. Tại đây, điều kiện để chăm lo cho trẻ cũng hạn chế hơn so các khu vực dân cư khác. 

Một vấn đề đáng nói khác, để khởi tố một vụ án xâm hại, bạo hành cần nhiều yếu tố, trong đó có sự hợp tác giữa gia đình nạn nhân với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà nhiều gia đình đã giấu sự việc khiến một số vụ việc đi vào ngõ cụt, các đối tượng vi phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. 

Cần thay đổi nhận thức

Đại diện Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, một trong những vấn đề người dân rất lo lắng hiện nay là dù Luật Trẻ em đã được ban hành và đi vào thực thi nghiêm khắc, nhưng số lượng những vụ bạo lực học đường, bóc lột lao động, hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn. Thậm chí, ở các môi trường được xem là an toàn nhất là nhà trường, gia đình lại đang là nơi diễn ra không ít những vụ việc đau lòng liên quan đến trẻ em. 

Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, để trẻ em được bảo vệ toàn diện, một trong những vấn đề các cơ quan chức năng cần thay đổi là về nhận thức trong việc bảo vệ trẻ. Khi nhận thức đúng thì sẽ thể hiện đúng trách nhiệm đối với trẻ em. Thực tế hiện nay cũng buộc mỗi gia đình, nhà trường, chính quyền phải đặt vấn đề này thành mối quan tâm thường xuyên để trẻ em được an toàn trong các môi trường. Trong khi đó, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật đã được thực thi nhưng để trẻ em được bảo vệ, các cơ quan chức năng cần có các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý không chỉ cho nạn nhân, gia đình trẻ bị xâm hại mà cho người phạm tội. 

 Trẻ gặp nguy hiểm hãy gọi 111: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là số gọi khẩn đến, tiếp nhận mọi thông tin về trẻ em đang cần được giúp đỡ như các vụ bạo lực, xâm hại, buôn bán, bắt cóc… trẻ em. Nhân viên tổng đài trực 24/24 giờ để tư vấn, kết nối, hỗ trợ cách ly trẻ em khỏi gia đình trong trường hợp khẩn cấp.