Để bản đồ ẩm thực không phải là giá trị ảo

Trong điều kiện thị trường dịch vụ ẩm thực vừa đa dạng, vừa bát nháo như hiện nay, việc xuất hiện một nền tảng công nghệ giúp sàng lọc, đánh giá các điểm đến chất lượng dựa vào niềm tin cộng đồng là điều cần thiết. Nhưng phải làm “đến nơi đến chốn”, nếu không mọi thứ chỉ là hình thức. 

Anh Phạm Tuấn Hải chế biến món cá trắm sông Son, Quảng Bình. Ảnh: SAM NGUYỄN
Anh Phạm Tuấn Hải chế biến món cá trắm sông Son, Quảng Bình. Ảnh: SAM NGUYỄN

Nhiều cơ hội

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch - Ẩm thực thế giới, du lịch ẩm thực giúp các quốc gia tăng thêm 25% lợi ích kinh tế cho một điểm đến. Sở hữu nhiều vùng văn hóa đặc trưng, mỗi điểm đến của Việt Nam đều có sự khác biệt về bản sắc, tạo nên các yếu tố cạnh tranh lý tưởng cho sản phẩm du lịch địa phương. Từ cuối năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, định hướng tập trung phát triển du lịch trong nước bằng hai lĩnh vực thế mạnh là ẩm thực và di sản.

Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam phối hợp Hiệp hội Du lịch - Ẩm thực thế giới, Làng Công nghệ Du lịch Ẩm thực Techfest, Làng Công nghệ địa phương Techfest, các đối tác trong nước và quốc tế vừa công bố dự án “Bản đồ Du lịch Ẩm thực Việt Nam”. Đây là dự án (DA) cộng đồng nhằm hình thành hệ thống điểm đến, lan tỏa giá trị di sản văn hóa ẩm thực địa phương thông qua mạng lưới chuyên gia, tổ chức và cá nhân chia sẻ hình ảnh, video trải nghiệm ẩm thực tại Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Theo đó, hình ảnh, video thuộc chiến dịch sẽ được tổng hợp và thể hiện trên bản đồ Việt Nam theo vùng miền, tỉnh thành giúp du khách có thể tham khảo và tương tác dễ dàng.

Tích hợp công nghệ, có hệ thống đánh giá tiêu chuẩn độc lập, hướng đến các chứng chỉ chuyên nghiệp về du lịch ẩm thực, kết nối mạng lưới chuyên gia ẩm thực toàn cầu… là những thế mạnh của DA được giới nghiên cứu trong nước đánh giá cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vạch ra hệ thống tiêu chuẩn, nội dung bao giờ cũng đơn giản hơn việc hoàn thiện các mục tiêu; muốn đi đường dài, DA cần bám sát nhu cầu thực tế để phát huy hết thế mạnh, tiềm năng thay vì chạy đua theo số lượng. 

Cần gạn đục, khơi trong

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, giờ đây không chỉ các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực, các đơn vị thẩm định chất lượng mà chính du khách hay người dân địa phương cũng có thể quảng bá các món ngon địa phương thông qua mạng lưới kết nối. Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho rằng, chính yếu tố cộng đồng sẽ sớm tạo sự lan tỏa cho DA này. Thế nhưng còn khá nhiều việc phải làm vì muốn xác lập, định vị thương hiệu một hay chuỗi món ăn, ít nhất phải bảo đảm bốn yếu tố. “Đầu tiên là giá trị lịch sử, vì để du khách thưởng thức món ăn, thức uống mà không biết gì về xuất xứ, không biết nó ra đời từ lúc nào, thưởng thức ra sao thì mất đi giá trị. Cùng với đó là việc tạo chuỗi giá trị nông sản phẩm, thực phẩm, gia vị… từ môi trường nuôi trồng đến bàn ăn. Bên cạnh đó, với những DA cộng đồng như thế này, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Chính những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ nhân và đặc biệt là những người nấu bếp chuyên nghiệp sẽ giúp tạo ra chuỗi món ăn chất lượng. Yếu tố thứ tư cần có chính là sự lan tỏa để DA được nhiều người biết đến, chung tay”, ông Tân phân tích.

Theo GS, TSKH Lưu Duẩn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam, chất lượng, độ an toàn của món ăn cần được kiểm soát tốt. Trong khi người Việt Nam khi đi du lịch thường lên danh sách món ăn phải thưởng thức tại địa phương theo hình thức truyền tai, chia sẻ kinh nghiệm thì du khách nước ngoài có những đòi hỏi cao hơn. Họ luôn muốn biết đang ăn gì, chất lượng món đó ra sao, thành phần thế nào, có thật sự bảo đảm không.

Còn theo blogger du lịch Tô Thái Hùng, bản đồ du lịch ẩm thực này chỉ thật sự hiệu quả khi tạo được các kênh quảng bá đặc sản địa phương. Điều này có nghĩa là các món ăn được giới thiệu trên bản đồ phải thật sự đặc sắc chứ không phải kiểu quảng cáo, check in vì cái du khách cần là thưởng thức món ngon đặc trưng tại nơi mình đặt chân đến. Anh Hùng gợi ý, bản đồ du lịch ẩm thực cần có phần phân loại các loại đặc sản địa phương giúp du khách tham khảo khỏi bị “lạc lối” trong vô số món ăn được giới thiệu. “Bản thân những người đi du lịch không muốn gặp thêm một nền tảng cung cấp món ăn như Foody hay Grab mà họ muốn được chọn những món đặc sắc, độc đáo, tránh tình trạng chẳng biết hôm nay phải ăn gì trong khi các thông tin giới thiệu xuất hiện khắp nơi”, Hùng phân tích thêm.

Thái-lan từng lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực thành công với chiến dịch “Bếp ăn của Thế giới” hay Singapore từng được UNESCO vinh danh về ẩm thực đường phố năm 2020. Các chuyên gia cho rằng, với tiềm năng hiện có, du lịch ẩm thực Việt Nam đủ sức để phát huy thế mạnh của mình. Vấn đề quan trọng vẫn là yếu tố “con người”, từ người thực hiện món ăn đến người quảng bá và lan tỏa.