Đâu lại vào đấy

Bạn đọc viết:

Đoàn Thanh Sang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):

Trong quãng thời gian phát triển đô thị ở những thành phố lớn trên cả nước, không biết đã bao nhiêu lần người dân được nghe thấy những cụm từ “siết chặt”, “tăng cường” hay “đẩy mạnh” đối với công tác quản lý vỉa hè. Một điểm chung dễ nhận thấy là, sau mỗi lần “siết” hay “đẩy”, việc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, kinh doanh trái phép thường “đâu lại vào đấy”.

Điển hình như ở các khu phố nội đô tại Hà Nội, cứ vào những đợt ra quân kiểm tra là vỉa hè luôn sạch bóng xe cộ dừng đỗ bừa bãi. Không còn cảnh hàng quán lấn chiếm ra tới tận lòng đường, người ra kẻ vào gây mất trật tự công cộng và an toàn giao thông. Cả những vụ việc tranh giành “địa bàn” kinh doanh dẫn đến xô xát, ẩu đả vô cùng mất mỹ quan đô thị cũng được hạn chế.

Nhưng hình ảnh đẹp này thường chỉ kéo dài được vài ngày, hoặc cùng lắm là vài tuần, rồi các hộ kinh doanh lại “bành trướng” dữ dội còn hơn trước. Nhiều nơi, xe tuần tra của lực lượng chức năng vừa đi qua là các hộ kinh doanh lại ồ ạt bày đồ đạc, hàng hóa ra đường. Cá biệt có những cửa hàng, cửa hiệu còn rình rang tổ chức khai trương, event, mở nhạc ầm ĩ, thậm chí thuê cả đội lân sư rồng, người mặc đồ thú bông đến biểu diễn, múa may hoặc “xua” nhân viên ra phát tờ rơi quảng cáo tới tận giữa lòng đường. Tình trạng coi thường luật pháp này không chỉ diễn ra ở những tuyến đường lớn như Xã Đàn, phố Huế mà còn xuất hiện ở các con phố cổ vốn chật hẹp.

Hàng quán, cửa hiệu “đóng quân” trên phần lớn diện tích vỉa hè, khiến người đi bộ buộc phải di chuyển trên lòng đường. Vụ tai nạn thương tâm trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) gần đây là minh chứng đau lòng cho những hệ quả của việc chiếm dụng vỉa hè làm “của riêng”. Không biết đến khi nào, quản lý đô thị mà đặc biệt là vỉa hè mới thật sự được “siết chặt”?