Đất đã hiến nhưng đường chưa thấy

Xưa nay, nếu tình nguyện hiến đất để làm đường, thì người ta sẽ có con đường đi lại. Nghịch lý, người dân ở xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên dù đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét đất nhưng đến nay con đường mới ấy vẫn xa hun hút…

Ngôi nhà gia đình chị Hường luôn phủ kín bạt vì bụi.
Ngôi nhà gia đình chị Hường luôn phủ kín bạt vì bụi.

1. Tìm về khu vực xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, chúng tôi được biết người dân trong hai xóm Thống Nhất và Đèo Khế đều tình nguyện hiến đất làm đường. Theo tìm hiểu, con đường này là dự án của huyện, vận động các gia đình trong xóm Thống Nhất và xóm Đèo Khế hiến đất làm đường liên thôn. Được biết, khi được vận động hiến đất làm con đường bê-tông này, người dân trong xóm đều nhiệt tình tham gia đóng góp, ủng hộ phần đất của gia đình mình. Ông Đỗ Văn Tuấn, ở xóm Thống Nhất cho biết, gia đình ông đã hiến hơn 2.000 m² đất làm đường, trong đó gồm cả phần đất thổ cư và đất ruộng vốn đem lại giá trị kinh tế và là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Khi có chủ trương về chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cấp tuyến đường liên xã nối hai xã Khe Mo, Văn Hán của huyện Đồng Hỷ, người dân trong xóm luôn mong mỏi con đường sẽ được mở rộng, to đẹp hơn. Cả xóm Thống Nhất có 40 hộ dân, con đường đi qua có 10 hộ. Vì dân rất muốn có con đường đi lại thuận tiện hơn nên tình nguyện hiến đất.

Tuy nhiên, con đường liên quan đến hai xã, dài năm đến sáu cây số được dân ủng hộ nhiệt tình đến nay chưa hoàn thiện. Chị Nguyễn Thị Sa, con dâu ông Tuấn cũng cho biết: “Từ lúc hiến đất đến giờ, con đường này đã làm gần ba năm rồi, chỉ san xong để đó, có một thời gian họ kêu máy hỏng không làm. Chúng tôi chỉ mong mỏi xong con đường, có bê-tông đi để cho đỡ khổ.” Bị “hao hụt” phần đất canh tác, tức là sẽ bị giảm thu nhập nhưng người dân ở đây vẫn rất sẵn lòng ủng hộ chính quyền. Hầu hết các hộ dân có con đường đi qua đều áp dụng mô hình xen canh, thu nhập chủ yếu từ sản xuất độc canh cây chè không đủ để bảo đảm cuộc sống, nên họ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Chúng tôi chủ yếu làm chè, làm ruộng, chồng tôi đi ra ngoài làm thêm, phụ hồ thêm cho những gia đình cần người làm”, chị Sa nói.

2. Dọc theo con đường đang dở dang, gia đình anh Lục Văn Cúc - Lý Thị Hường, xóm Đèo Khế cho biết: “Hiến đất là mất bao nhiêu chè đã trồng - ít nhiều là kế sinh nhai của chúng tôi, cứ tưởng là đổ bê-tông hoặc đổ nhựa, nhưng giờ vẫn chưa xong, ngày nắng thì bụi kín, lo ngày mưa sẽ bị xói lở, chưa có ống thoát nước. Vẫn biết Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng mưa bão to, nước không thông, đất sạt lở hết, xói mòn hết. Rất mong chính quyền sớm tiếp tục triển khai làm đường cho xong”.

Cũng trong tình trạng đó, xuất phát từ mong muốn con đường thông thoáng nhiều người đi lại nên gia đình bà Nguyễn Thị Dung - Nguyễn Trung Dũng đã tình nguyện hiến 3.200 m² đất và được UBND tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới xã Khe Mo giai đoạn 2012 - 2017.

Bà Dung cho biết, để làm đường, nhà bà đã hiến vào đất vườn, ngày mưa, nước xối trôi hết đất đá vào suối. Vẫn chưa hết băn khoăn, rằng tại sao người dân đã tình nguyện hiến rất nhiều đất nhưng đường thì vẫn chưa thấy đâu. Bởi lẽ đất nông nghiệp họ hiến làm đường khiến năng suất và chất lượng bị giảm sút. Như một hệ lụy tất yếu, thu nhập của họ bị giảm theo. Họ mong muốn con đường làm xong sớm để yên tâm ổn định cuộc sống.

Gia đình những người dân ở Khe Mo, Thống Nhất điển hình như ông Tuấn, bà Dung… dù còn nhiều khó khăn, vất vả song đã tình nguyện hiến một diện tích đất không hề nhỏ và có giá trị kinh tế để làm đường. Đó là những hộ dân đi đầu trong phong trào xây dựng đường bê-tông liên xóm. Nhưng, tấm lòng của họ dành cho cộng đồng liệu có được như ý nguyện? Họ có chung nỗi mong ngóng con đường mới. Họ hy vọng, nếu con đường hoàn thành sớm sẽ là cầu nối giữa các xóm, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân vững niềm tin về xây dựng nông thôn mới.