Cứu nông sản từ Hải Dương

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thị trường nông sản tại nhiều địa phương trên cả nước rơi vào cảnh lao đao do kênh tiêu thụ bị thu hẹp, hàng hóa ế ẩm, giá cả lao dốc, đặc biệt là ở các vùng có dịch hoành hành. Tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu để vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Một điểm giải cứu nông sản tại Hải Dương.
Một điểm giải cứu nông sản tại Hải Dương.

1/ Những ngày qua, việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung tại Hải Dương đều gặp khó khăn. Đặc biệt là khi nhiều tỉnh, thành phố ban hành quy định không tiếp nhận người từ Hải Dương tới hoặc không cho người hoặc phương tiện qua lại địa bàn tỉnh này. Chính vì vậy, việc tiêu thụ nông sản tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 116 ha rau các loại với sản lượng khoảng 4.400 tấn, chủ yếu là bắp cải, su hào, súp lơ, rau gia vị nhưng rất khó tiêu thụ. Nhìn vườn rau đến ngày thu hoạch vẫn tràn đầy ruộng, chị Trần Thị Liên (xã Hưng Đạo) cho biết, gia đình chị có tám sào rau, chủ yếu là su hào, bắp cải với chi phí đầu tư gần 40 triệu đồng. Nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát, đến thời điểm này, ba sào bắp cải của gia đình chị coi như bỏ không thu hoạch, su hào xuống giá 1.000 đồng/kg mua tại vườn nhưng rất ít thương lái tới mua, trong khi những năm được giá, su hào có giá từ 7.000 - 10 nghìn đồng/kg.

Trước tình cảnh trên, ngày 19-2, hàng chục hội viên Hội Nông dân các xã Bình Lãng, Chí Minh đã tới cánh đồng thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo để thu hoạch su hào, bắp cải giúp nông dân địa phương. Tính riêng trong hai ngày 18 và 19-2, khoảng 40 tấn rau, củ đã được rất nhiều người dân hỗ trợ thu mua trên địa bàn, góp phần giải quyết khó khăn cho bà con nông dân. Thực tế những ngày qua cho thấy đây là kênh tiêu thụ khá hiệu quả, tháo gỡ khó khăn đầu ra cho các mặt hàng rau vụ Đông như bắp cải, súp lơ, su hào, rau ăn lá.

Ông Nguyễn Văn Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Minh cho biết, chúng tôi huy động các hội viên tới thu hoạch giúp và hỗ trợ một phần kinh phí cho chủ ruộng, tuy không nhiều nhưng bù đắp phần nào thiệt hại cho bà con. Kinh phí cho hoạt động này được trích từ kinh phí của Hội và sự ủng hộ của một số nhà hảo tâm.

2/ Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hiện ngành nông nghiệp phối hợp chính quyền địa phương tỉnh Hải Dương đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp như kết nối các doanh nghiệp (DN), hỗ trợ tối đa các đơn vị trong quá trình thu mua. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các đơn vị vận chuyển, bao tiêu khi đi qua các chốt kiểm soát dịch, thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm phòng, chống dịch. 

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hải Dương cho biết, vụ đông năm nay năng suất tốt, chất lượng rất cao, đủ tiêu chuẩn phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng, khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn đã ảnh hưởng nhất định đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Nhiều DN phải hoạt động cầm chừng hoặc cắt giảm sản lượng tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Hiện, Chi cục đang tích cực kết nối DN, thương lái có năng lực tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hoặc có cơ sở giết mổ tiêu thụ trên thị trường. Đơn vị cũng đã chủ động kế hoạch, huy động tối đa kiểm dịch viên hỗ trợ các chốt thực hiện tiêu độc, khử trùng cho người và phương tiện chuyên chở gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi.

Đối với các mặt hàng nông sản, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn người dân khi sản xuất và thu hoạch phải bảo đảm sức khỏe, tuân thủ đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Nông sản sau khi thu hoạch được đóng gói và đưa lên xe vận chuyển về nhà máy sơ chế. Các lái xe vận chuyển nông sản được mặc quần áo bảo hộ, không tiếp xúc gần nông dân, xe được phun khử trùng… Việc thu hoạch bảo đảm giãn cách, bảo đảm an toàn chất lượng từ khi thu hoạch đến khi đóng gói, xử lý an toàn thực phẩm trước khi đưa ra các địa bàn khác. Ngành nông nghiệp chủ động phối hợp các đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ con người, phương tiện cả nơi cung ứng và nơi thu mua, tiến hành khử trùng, xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hải Dương Trần Hồ Đăng đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN, thương lái và người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố chung quanh tạo điều kiện, không “ngăn sông cấm chợ” để nông sản và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương được thông thương như bình thường.