Còn nhiều bất cập trong phòng cháy

TP Hồ Chí Minh lại vừa tiếp tục xảy ra một vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Tám nạn nhân, trong đó có năm trẻ dưới 15 tuổi đã thiệt mạng. Đây là một lời cảnh báo về những bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và ý thức về vấn đề cháy nổ trên địa bàn thành phố, cần sớm được khắc phục. 

Phân tích nguyên nhân vụ cháy làm tám người thiệt mạng tại quận 11 chiều 7-5.
Phân tích nguyên nhân vụ cháy làm tám người thiệt mạng tại quận 11 chiều 7-5.

Các thống kê báo động

Vào cuối giờ chiều ngày 7-5 vừa qua, khi nhiều người đang trở về nhà thì tại một căn nhà trong hẻm 47, đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, vụ hỏa hoạn chỉ trong mấy phút đã cướp đi tính mạng của tám con người. 

Căn nhà nơi xảy ra vụ cháy nằm sâu trong một hẻm cụt với bề ngang khoảng hơn 2 m. Căn nhà này được thuê vừa để ở và kết hợp sản xuất, kinh doanh xi đánh bóng gạch, chế biến từ sáp đèn cầy và dầu lửa. Dưới tầng trệt, diện tích khoảng 40 m², các vật dụng dễ cháy xếp ngổn ngang, các thùng phuy hóa chất dựng dọc lối đi, choán một diện tích lớn. Điều tra cho thấy, trong quá trình sản xuất, một nạn nhân đã vô ý làm đổ thùng xi đánh bóng gạch vừa nấu xong ra sàn nhà, từ đó chảy ra nơi đang nấu sáp đèn cầy. Hậu quả thương tâm đã xảy ra sau đó khi ngọn lửa lớn bao trùm lối thoát hiểm gần như duy nhất của căn nhà. Các nỗ lực dập lửa của người dân chung quanh không hiệu quả. 

Năm 2020, thành phố xảy ra 269 vụ cháy, làm chết 11 người, bị thương 22 người. Ðáng nói, các thiệt hại về người (chết người) đều xảy ra ở loại hình nhà ở đơn lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh. Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh (PC07) cho thấy, thành phố có gần hai triệu hộ gia đình, trong đó có hơn 300 nghìn hộ gia đình kết hợp việc ở với kinh doanh, dịch vụ. Qua điều tra nguyên nhân, PC07 xác định, hơn 70% số vụ cháy xảy ra có liên quan đến sự cố chập điện…

Cần nhiều quy chuẩn đặc thù

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07, cho rằng, sự chủ quan của người dân, thiếu ý thức phòng ngừa các tình huống gây ra cháy vẫn còn phổ biến. Việc sử dụng các thiết bị điện, sắp xếp đồ đạc, hàng hóa thiếu khoa học vẫn diễn ra ở nhiều hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, khiến nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn tại các khu dân cư, doanh nghiệp. Thêm vào đó, các dạng nhà kết hợp ở và kinh doanh hiện nay phần lớn đều nằm trong các khu dân cư, các tuyến đường, hẻm rất nhỏ hẹp nên khi xảy ra cháy, dù các lực lượng chức năng có tiếp cận được hiện trường thì hậu quả của các vụ cháy cũng đều rất lớn.  

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng đề xuất cho thành phố áp dụng các quy chuẩn đặc thù về PCCC để nâng cao hiệu quả công tác này trên địa bàn. Đơn cử như, thành phố được ban hành quy định về tiêu chí an toàn về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất mang tính bắt buộc áp dụng chung. Cùng với đó, áp dụng các chế tài nghiêm khắc nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc không thực hiện. 

Ngoài ra, để công tác PCCC đạt hiệu quả, thành phố cần xác định cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, tổ chức về thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng; phương tiện; vật tư và hậu cần); bổ sung quy định công an phường, xã, thị trấn sẽ là đơn vị tham mưu cho UBND cùng cấp về công tác PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, cảnh sát khu vực là người trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất…

Kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy: 1. Khi xảy ra cháy, nổ cần bình tĩnh. 2. Di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, men theo bờ tường; bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi. 3. Thoát ra ngoài theo cầu thang bộ và không được sử dụng thang máy để thoát nạn. 4. Kiểm tra nhiệt độ của cửa nếu phải mở cửa. Khi mở cửa phải tránh sang một bên để đề phòng lửa tạt. 5. Dùng chăn ẩm ướt, hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói, khí độc tràn vào phòng. 6. Lánh nạn tạm thời ở các nơi chưa bị ngọn lửa hay khói, khí độc đe dọa. Tuyệt đối không núp trong nhà vệ sinh. 7. Khi xảy ra cháy, nổ tại nơi đông người thì phải tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên tòa nhà và lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp (Nguồn: Cục PCCC).