Chưa hết cảnh lao đao vì tiêu rớt giá

Trong khi người nông dân ở Tây Nguyên vẫn “tự bơi” để tìm đầu ra cho nông sản thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển thị trường vẫn chưa thể hiện rõ nét.

Nhiều người dân các tỉnh Tây Nguyên lại lâm vào hoàn cảnh bi đát khi tiêu chết hàng loạt.
Nhiều người dân các tỉnh Tây Nguyên lại lâm vào hoàn cảnh bi đát khi tiêu chết hàng loạt.

Luẩn quẩn chuyện nông dân làm giàu

Chỉ độ 5 năm về trước, giá hồ tiêu được đẩy lên cao hơn 200 nghìn đồng/kg, người trồng tiêu ở Tây Nguyên vui mừng khôn xiết. Tại Đác Nông, nhiều làng quê sau một vụ mùa đã hóa thành làng tỷ phú. Mặc cho lời cảnh báo của chính quyền, nhiều người ở các huyện Đác Song, Tuy Đức, Đác Mil… (Đác Nông) đã đổ xô đốn hạ sầu riêng, cà-phê để trồng hồ tiêu với mộng đổi đời.

Ông Trần Văn Bốn ở xã Nam N’Jang (huyện Đác Song) kể, từ ngày hồ tiêu lên giá, dân ồ ạt mua giống tốt về trồng. Người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu rồi để bây giờ nhận được trái đắng khi giá tiêu xuống thấp kỷ lục. Hiện nhiều vùng trồng hồ tiêu trong đó có Nam N’Jang mất mùa cũng đã dần chuyển đổi sang trồng sầu riêng vì được giá!

Bà con các vùng nông sản tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đác Lắc phải tự mình đối chọi lại với tình trạng bảo kê, phá hoại nông sản. Đơn cử như gia đình của chị Đoàn Thị Thanh Thủy (thôn Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Krông Búk) những ngày qua bị kẻ lạ đầu độc vườn sầu riêng đang độ ra trái. 12 cây sầu riêng giá trị gần một tỷ đồng của chị có dấu hiệu bị hạ độc, chết hàng loạt.

“Việc nhiều đối tượng xấu hạ độc vườn sầu riêng của chúng tôi đã diễn ra từ lâu nhưng rất khó bắt được. Hết nạn bảo kê sầu riêng giờ sang hạ độc cây... Thật sự nông dân chúng tôi vô cùng vất vả khi một tay phải đối phó cả thiên tai lẫn nhân tai”, chị Thủy chia sẻ.

Đâu là giải pháp?

Trước câu chuyện được mùa mất giá của người nông dân, tỉnh Đác Lắc nhiều năm trước từng xây dựng đề án xác định những diện tích cây trồng phù hợp nhất theo phát triển bền vững từ năm 2013 - 2020. Đề án này được ban hành chưa lâu đã “vỡ trận” vì quy định không theo kịp thực tế.

Ông Lê Văn Thành, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đác Lắc (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đác Lắc) thừa nhận, mặc dù tỉnh Đác Lắc đã xây dựng các vùng trồng cây nông nghiệp riêng biệt nhưng việc quy hoạch không phù hợp thực tiễn. “Hiện giờ chúng tôi chỉ định hướng trồng cây nông sản cho người nông dân. Nói là định hướng nhưng việc nghe hay không lại ở người nông dân”, ông Thành chia sẻ.

TS Trương Hồng, nguyên Viện trưởng Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, công tác quản lý nhà nước về vấn đề quy hoạch, định hướng thị trường nông sản ở một số nơi thời gian qua chưa tốt đã dẫn đến việc người nông dân sản xuất tự phát, manh mún. “Về lâu dài, thay vì các địa phương yêu cầu nông dân thay đổi quy mô diện tích trồng nông sản thì ngành nông nghiệp phải có giải pháp làm sao để có thể liên kết nông dân trở thành một vùng sản xuất hàng hóa lớn mạnh. Một khi vùng sản xuất hàng hóa hình thành, nông dân có thể an tâm sản xuất, kinh doanh và chủ động về giá cả”, TS Trương Hồng nêu quan điểm.