Chỗ có, chỗ không

Bạn đọc viết:

Lê Thắng (quận Ba Đình, TP Hà Nội)

Ngày 2-2 vừa qua, trước tình hình thực tế phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tạm ngừng nhiều dịch vụ không thiết yếu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đóng cửa các quán giải khát, quán ăn đường phố. Đa số các quán trà đá, cà-phê, dịch vụ ăn uống hằng ngày vẫn “tận dụng” vỉa hè đã dừng tiếp khách, chờ quyết định mới từ chính quyền.

Nói “đa số” là bởi, vẫn còn không ít chủ cửa hàng, quán xá dường như quá coi thường yêu cầu này. Bằng chứng là vô số quán cà-phê, giải khát nằm lẩn khuất trong các ngõ, ngách vẫn vô tư mở cửa bán hàng. Quán nào ở mặt đường, mặt ngõ thì dùng “chiêu” hé cửa, treo biển “bán mang về” nhưng vẫn đon đả mời chào khách vào nhà để qua mắt lực lượng chức năng. Thời gian này, trên đường đi làm, tôi có tạt vào một quán cà-phê như vậy ở khu vực phố Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) để mua chai nước mang theo. Ngạc nhiên thay, chủ quán đã thẳng thắn đề nghị tôi “vào nhà uống cà-phê, nước hoa quả chứ cầm đi làm gì cho khổ”. Trước vẻ sững sờ của tôi, bà chủ quán không quên trấn an “cứ vào ngồi phía trong, không ai để ý đâu”(!?). Cùng với dịch vụ giải khát “nhẹ”, trên khắp các phố phường Thủ đô có không ít quán bia hơi vỉa hè vẫn mở như chưa hề có quyết định tạm dừng hoạt động. Trái với yêu cầu ngồi giãn cách, bắt buộc lắp tấm chắn giọt bắn..., khách vào quán thoải mái ngồi chè chén, tranh luận rôm rả, náo nhiệt cả góc phố.

Yêu cầu của UBND TP Hà Nội được ban hành sau khi Thủ đô xuất hiện những ca lây nhiễm phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan nhanh, rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc tuân thủ theo kiểu “chỗ có, chỗ không” cùng những “chiêu lách luật” mang tính chất vô trách nhiệm, thiếu suy nghĩ đã một lần nữa đặt TP Hà Nội trở lại vòng nguy hiểm, có nguy cơ khiến nhiều nỗ lực, cố gắng của các lực lượng phòng, chống dịch trên tuyến đầu trở nên vô nghĩa.