Cần kiểm soát chặt

Bạn đọc viết:

Ngụy Hải Hà (quận Hà Đông, TP Hà Nội)

Hằng năm, Tết Nguyên đán luôn là thời điểm phức tạp, nổi lên nhiều vấn đề gây bức xúc cho người dân, nhức nhối trong dư luận. Có rất nhiều hành vi, việc làm dù bị cấm từ lâu nhưng vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng phát triển. Đáng chú ý nhất là việc đổi tiền lẻ. 

Tiền lẻ vốn thường dùng để trả lại khi mua mớ rau, bìa đậu hoặc chi những khoản rất nhỏ như uống cốc nước chè, gửi xe máy, xe đạp trong khoảng thời gian ngắn. Thế nhưng, đây chỉ là phần nhỏ trong thực tế sử dụng tiền lẻ. Phần lớn nằm ở loại tiền lẻ mới cứng, trao đổi số lượng lớn theo cọc, theo xấp với tác dụng duy nhất là đặt lên vào các ban thờ, tượng Phật, gốc cây... tại những ngôi đền, nhà chùa vào ngày Tết Nguyên đán. Nhu cầu lớn thì ắt nguồn cung cũng phải lớn. Mỗi dịp giáp Tết, một bộ phận người dân lại rủ nhau đi “bán tiền lẻ”.

Bị cấm từ lâu, nhưng hành vi thu đổi tiền lẻ để “ăn” chênh lệch này vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí công khai vào những ngày xuân. Giới “đổi tiền” cũng ngày càng sử dụng những mánh làm ăn tinh vi hơn. Nào là đặt hàng rồi đưa đến “tận cửa”, núp bóng các hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, thậm chí lập hẳn hàng trăm trang web với tên gọi mang tính thách thức các lực lượng chức năng như doitien.net, doitienmoi.vn, muabantien.com... Có “lái” thu chênh lệch khi đổi tiền lên đến mức hơn 30%. Nghĩa là với 100 nghìn “tiền chẵn”, người “mua” tiền lẻ chỉ được lấy về chưa tới 70 nghìn tiền lẻ. 

Xét về mặt kinh tế, việc trao đổi hai lượng tiền mặt có giá trị hoàn toàn bằng nhau nhưng lại bị “hụt” mất một phần sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, hành vi đổi tiền để “ăn” chênh lệch sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Quy định cấm, khung hình phạt đã có từ lâu, nhưng sao đến nay dường như vẫn bị “mặc kệ”, để tiền lẻ tiếp tục là “mồi ngon” cho nhiều cá nhân trục lợi bất chính?