Buông lỏng kiểm duyệt sách trẻ em

Bạn đọc viết:

Phùng Minh Vân (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)

Đã bao giờ bạn mua phải những cuốn sách có nội dung, hình ảnh không phù hợp cho con em mình? Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm khi quá tin vào những lời quảng cáo và bìa sách bắt mắt, thoạt nhìn tưởng chừng rất an toàn cho trẻ em.

Cuối tuần qua, tôi đưa con đi nhà sách thì bắt gặp một cuốn sách tham khảo với dòng quảng cáo về việc học hàng nghìn từ tiếng Anh chỉ trong 50 ngày. Tất nhiên, tôi cũng không thể lập tức tin ngay cho đến khi con gái đề nghị mua cuốn sách này vì những minh họa đơn giản, dễ hiểu, được sắp xếp theo chương mục khá khoa học.

Sự hào nhoáng của cuốn sách chỉ vỡ vụn sau khoảng một tuần, khi hai mẹ con đọc thật kỹ nội dung. Ban đầu, chúng tôi mới chỉ bắt gặp những cách giải nghĩa, minh họa từ vựng khá lạ lùng, Thí dụ như khi “tedious” (buồn chán) thì phải đi... hái ớt, hay từ “repel” (đẩy lùi) vốn mang nghĩa hình tượng thì lại được miêu tả theo bằng hành động cơ bắp, hoặc “lyrics” (lời bài hát) được “phiên” thành một bạn nhỏ tên Ly đang... rít thuốc lào.

Thế nhưng, bên cạnh đó là rất nhiều câu chữ mang tính bạo lực, phản cảm như “mày thích ăn đấm hay thích bị bắn đạn đây”, “cậu ta văng rìu phi vào cô gái vì dám từ chối tình cảm”... Không những vậy, cuốn sách còn không ngại ngần giáo dục trẻ sự kỳ thị, phân biệt đối xử qua những đoạn hội thoại như “tưởng hắn nghèo, hắn ăn sâu bọ mà không khao khát làm giàu à” rồi “chỉ cần sờ là lây bệnh của mấy tên nô lệ đấy”...

Một cuốn sách có nội dung phản cảm, xấu độc nhưng lại gắn mác dành cho trẻ em và được bày bán rộng rãi trên thị trường. Với bề ngoài hào nhoáng, quảng cáo không đúng sự thật, chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ không thể kiểm soát nếu không đọc thật kỹ toàn bộ nội dung cuốn sách. Rất mong các cơ quan chức năng của ngành văn hóa sớm có giải pháp quản lý chặt cũng như xử lý nghiêm trách nhiệm của nhà xuất bản, bộ phận biên tập kiểm duyệt để xảy ra tình trạng này.