Bỏ rơi cây xanh

Năm 2016, Công ty Cổ phần Beepro (gọi tắt là Beepro) là đơn vị thực hiện di dời 106 cây xanh trên phố Kim Mã về vườn ươm xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) để chăm sóc. Nhưng chỉ được một thời gian, số cây trên đã bị bỏ rơi, rất nhiều cây đã chết, cả tiền thuê đất của người dân cũng không thấy đâu.

Ông Nguyễn Văn Hưng, chủ thửa đất bên cây xà cừ đã chết khô vì không được chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Hưng, chủ thửa đất bên cây xà cừ đã chết khô vì không được chăm sóc.

Dịch chuyển cây xanh

Năm 2016, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị (ĐSĐT) Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ là chủ đầu tư thực hiện dự án tuyến ĐSĐT thí điểm của thành phố đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3), tổ chức thi công dốc hạ ngầm tuyến trên cao đoạn từ đền Voi Phục đến ngã tư Kim Mã - Liễu Giai.

Tháng 8-2016, chủ đầu tư có đề nghị xin cấp phép dịch chuyển cây xanh. Ngày 18-8-2016, Sở Xây dựng đã cấp phép cho Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội dịch chuyển, chặt hạ 109 cây xanh. Trong đó, dịch chuyển 106 cây (gồm 103 cây phát triển bình thường nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng và 3 cây có dấu hiệu sâu mục cần dịch chuyển về vườn cây để chữa trị), chặt hạ 2 cây chết nằm trong chỉ giới xây dựng của công trình và cắt tỉa 1 cây có cành vươn vướng vào mặt bằng thi công dự án.

Trong quyết định, Sở Xây dựng đã giao cho Beepro thực hiện việc dịch chuyển. Trong thời gian thực hiện việc dịch chuyển (từ tháng 9-2016 đến khi kết thúc), Sở Xây dựng, Ban Quản lý ĐSĐT, UBND quận Ba Đình, UBND phường Ngọc Khánh sẽ giám sát, xác nhận chủng loại và có nghiên cứu phương thức đánh chuyển di dời. Số cây này đã được Beepro di dời về Vườn ươm xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) để tái sinh và chăm sóc.

Tháng 7-2017, Beepro đã mời đoàn khảo sát của thành phố, nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí đến thăm vườn ươm này để công bố đưa tin sự sinh trưởng tốt của số cây được chuyển về. Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội cũng công bố hơn 95% cây xanh sau khi di chuyển đã ổn định, phát triển tốt và mọc cành, lá…

Báo cáo xong rồi… bỏ cây

Vậy nhưng mới đây, ông Nguyễn Văn Hưng (SN 1966), chủ đất của vườn ươm xã Đa Tốn đã tố Công ty Beepro bỏ mặc, không chăm sóc số cây xanh này nữa, nhiều cây đã bị chết khô. Ông cho biết, sau khi chuyển đủ số cây xanh về đây, Beepro có thuê một người dân ở Hưng Yên về chăm sóc cây được khoảng hai tháng, từ đó đến nay thì không thấy có một ai của công ty quay lại.

Ông Hưng còn tố Công ty Beepro không thực hiện đúng hợp đồng thuê đất đã ký kết. Cụ thể, ngày 17-10-2016, Công ty Beepro đã ký hợp đồng thuê thửa đất có diện tích 3.000 m², thời hạn thuê đất là hai năm (từ ngày 2-11-2016 đến 2-11-2018), với giá 150 triệu đồng/năm và Beepro mới chỉ thực hiện thanh toán trả tiền thuê đất hết năm 2017. Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, kể từ năm 2018, ông đã có văn bản gửi Công ty Beepro đề nghị thanh toán theo hợp đồng đã ký kết, đồng thời hoàn trả mặt bằng theo nội dung hợp đồng. Vậy nhưng cho đến nay phía công ty vẫn “biệt vô âm tín”.

Có mặt tại vườn ươm xã Đa Tốn, chúng tôi đã đếm sơ bộ, có khoảng hơn 30 cây xanh đã bị chết, vỏ cây bị bong từng mảng lớn, cỏ mọc um tùm cao hơn đầu gối. Trong số cây bị chết có hai cây xà cừ lớn, còn lại là các cây như phượng, hoa sữa, bằng lăng, xoan, muồng… Ông Hưng cho biết, hiện ông đang bị mắc kẹt với số cây ở đây, đã hơn ba năm Beepro không trả tiền thuê đất, nhưng ông cũng không thể phá bỏ hợp đồng đã ký kết, không thể tự ý chặt hạ số cây xanh kia để lấy lại mặt bằng. Bởi số cây xanh này thuộc quản lý của thành phố.

Chúng tôi đã liên hệ làm việc với công ty ở địa chỉ đăng ký kinh doanh và trên website công ty là số 99 đường Phạm Hùng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng tới đây lại chỉ là… một bãi đất trống. Địa chỉ của công ty trong hợp đồng thỏa thuận thuê đất với ông Nguyễn Văn Hưng tại số 20A, ngõ 177 Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là địa chỉ không có thật.

Tìm hiểu trên website của Công ty Beepro, hoạt động chính của công ty này là kinh doanh vận tải hành khách, xe du lịch, xe cưới hỏi… không phải lĩnh vực chăm sóc cây cảnh (!?).

Đó là chưa kể, thành phố Hà Nội đã phải tốn nhiều tỷ đồng thực hiện di dời cây xanh về Đa Tốn, nhưng số cây này lại bị bỏ rơi, thậm chí là bị chết, rất lãng phí. Trong khi mùa hè oi ả sắp đến, nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn rất thiếu những bóng cây lớn để xoa dịu cái nắng của mùa hè.