Bất cập giao thông ở Ngã Tư Sở

Sau ba ngày thông xe đường vành đai 2 trên phố Trường Chinh (Hà Nội), tình trạng ùn tắc giao thông ở đây không những không cải thiện mà còn xảy ra trầm trọng hơn, nhất là ở điểm đầu Ngã Tư Sở.

Tình trạng ùn tắc tại Ngã Tư Sở đoạn Trường Chinh sáng 11-11.
Tình trạng ùn tắc tại Ngã Tư Sở đoạn Trường Chinh sáng 11-11.

1. Được kỳ vọng sẽ giải tỏa được áp lực giao thông khu vực vốn đã tồn tại trong nhiều năm nay, đường vành đai 2 trên cao đoạn nối từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở vừa được đưa vào sử dụng từ ngày 9-11 lại mang đến nỗi vất vả cho người dân mỗi khi qua đây nhất là vào những giờ cao điểm. Theo chỉ dẫn, đoạn đường trên cao này chỉ dành cho các phương tiện xe ô-tô được phép lưu thông và cấm các phương tiện gồm: xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ. Nhưng đúng như dự đoán của một số chuyên gia, việc không giải tỏa được nút giao tại hai đầu, dẫn đến lượng xe ô-tô từ đường vành đai 2 này do không được điều tiết bởi đèn tín hiệu, đi xuống đã xung đột trực tiếp với lượng xe lưu thông phía dưới dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn. 

Theo quan sát của phóng viên, bắt đầu từ 7 giờ sáng, cả nghìn phương tiện đã bị dồn ứ lại tại đường Trường Chinh đoạn đầu Ngã Tư Sở và kéo dài hàng trăm mét. Tình trạng tương tự cũng diễn ra cùng lúc trên các đầu đường Láng và đường Nguyễn Trãi hướng vào nút giao thông này. Các phương tiện ô-tô, xe máy, xe đạp… chỉ nhúc nhích từng cm giữa không gian inh ỏi của động cơ, khói xe và bụi mịn. Rồi mạnh ai nấy đi, tiện đâu lách đấy, cứ có khoảng trống là “nhồi” xe mình vào, nhiều phương tiện xe máy còn leo hết lên vỉa hè, hy vọng tìm được lối thoát bất chấp luật lệ. Đặc biệt, khi đang chờ đèn đỏ, nhiều người điều khiển xe máy vô ý thức đã tràn cả vào các làn đường ngược chiều để tranh thủ vượt qua ngã tư nhanh hơn khi có tín hiệu xanh gây xung đột, tắc nghẽn tạo nên hình ảnh giao thông hỗn loạn. Cho đến 9 giờ sáng, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện đáng kể, hàng nghìn phương tiện vẫn chôn chân tại nút giao này.

2. Theo phản ánh của người dân chung quanh khu vực Ngã Tư Sở, tình trạng tắc nghẽn ở khu vực này đã diễn ra thường xuyên, phương tiện đổ về nhiều nhưng việc điều tiết giao thông chưa hợp lý. Cụ thể: đèn tín hiệu từ đường Nguyễn Trãi qua đường Tây Sơn và rẽ vào đường Láng, thời gian đèn đỏ tới 90 giây, chỉ 40 giây đèn xanh; và từ đường Trường Chinh đèn xanh bật 95 giây, đèn đỏ giảm còn 60 giây. Nhưng do có quá nhiều luồng giao thông đan xen qua khu vực ngã tư vốn có diện tích nhỏ, gây nên tình trạng xung đột hỗn loạn trên. 

Bên cạnh đó, hai điểm lên xuống của đường vành đai 2 trên đường Trường Chinh quá gần ngã tư, không thể bố trí điểm quay đầu khiến các phương tiện muốn đến các địa chỉ trên tuyến đường này buộc phải đi vào Ngã Tư Sở để quay ngược trở lại, gây quá tải. Khối lượng xe lưu thông hướng Trường Chinh - Láng hay Trường Chinh - Nguyễn Trãi hầu hết đều phải chờ khá nhiều nhịp đèn đỏ mới di chuyển qua được một cách chậm chạp.

Ông Đặng Trung Kiên (phường Khương Mai, Thanh Xuân) cho biết: Mỗi sáng phải đi qua ngã tư này quả thật rất mệt mỏi và mất thời gian, nhất là khi đường vành đai 2 thông xe. Tôi chắc phải tính đến phương án đi làm và đưa đón trẻ đến trường sớm hơn cả tiếng. Nếu thế chỉ khổ cho các cháu, khi phải dậy sớm từ 5 giờ 30 phút sáng nhưng cũng không còn cách nào khác. Mong sao tình trạng này sớm được giải quyết để Ngã Tư Sở không còn là ngã tư “khổ” mỗi ngày.

3. Được biết, các cơ quan chức năng đã có những trao đổi nhằm giải quyết tình trạng trên. Trước hết sẽ thiết lập lại các nhịp đèn tín hiệu phù hợp cho từng chiều đường; kẻ phân làn và tổ chức lại giao thông cho các phương tiện qua nút Ngã Tư Sở; tăng cường lực lượng điều tiết và xử lý các vi phạm về an toàn giao thông và trật tự đô thị trên các tuyến đường trong khu vực. 

Tuy vậy, để giải quyết triệt để, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng diện tích các lòng đường tại Ngã Tư Sở để tăng thêm năng lực lưu thông, kể cả nới rộng mặt bằng cầu vượt từ Nguyễn Trãi hướng Tây Sơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu làm đường ngầm dưới ngã tư từ Trường Chinh qua Láng giống một số nút giao trông đã triển khai như Xã Đàn - Đại Cồ Việt, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Như vậy, tình trạng giao thông hỗn loạn ở vị trí trọng điểm phía Tây Nam thành phố mới có thể được cải thiện.