Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Sau khi kết thúc giãn cách xã hội và thời tiết bước vào những ngày hè, đây cũng là thời điểm các quán phục vụ đồ ăn, đồ uống hoặc các cửa hàng thực phẩm bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, trong lúc phần lớn nguồn lực của cơ quan chức năng và sự quan tâm của dư luận tập trung vào mối lo dịch Covid-19, vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với các loại đồ ăn uống này có phần bị buông lỏng.

Những nguyên liệu như thạch dừa, hạt sen... nhãn mác đều không ghi xuất xứ bày bán công khai tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Những nguyên liệu như thạch dừa, hạt sen... nhãn mác đều không ghi xuất xứ bày bán công khai tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Các quán chè, trà sữa và cửa hàng bán bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát là những sản phẩm giải nhiệt mùa hè được nhiều người yêu thích, nhất là học sinh, sinh viên. Trên địa bàn TP Hà Nội, số lượng đơn vị kinh doanh phục vụ các mặt hàng thực phẩm này cũng tăng nhanh về số lượng. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là chất lượng những mặt hàng này vẫn đang bị thả nổi, khó kiểm tra, kiểm soát.

Qua khảo sát thực tế, đối với các cửa hàng bán các loại chè, trà sữa, việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu không hề đơn giản. Các nguồn nguyên liệu chủ yếu bao gồm bột sữa, hạt trân châu, thạch rau câu, hương liệu… đa phần có dán mác nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc có cả hàng Việt Nam. Nếu chủ quán kinh doanh có hóa đơn mua bán hàng hóa thì lực lượng quản lý thị trường không thể thu giữ, chỉ có thể xử lý vi phạm lỗi không có tem nhãn tiếng Việt. Tuy nhiên, trên thị trường, nhiều cửa hàng giải khát, thí dụ quanh khu vực Trường đại học Bách khoa Hà Nội, có không ít quán trà sữa với bảng hiệu “trà sữa nhà làm”, “trà sữa nhà làm, nói không hóa chất”, “trà sữa nhà làm của mẹ tôi”… Nhưng thực chất, những sản phẩm tại đây không có nhãn mác, hoặc không ghi đầy đủ thông tin, xuất xứ và được làm từ nguyên liệu hoàn toàn chưa rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định chất lượng.

Đối với các quán chè, việc kiểm soát còn khó khăn hơn khi phần lớn các loại chè, thạch, trân châu được chế biến từ trước và bỏ sẵn trong các cốc, bát, nồi… Khi khách gọi chỉ cần bỏ vào cốc là có thể mang ra cho người dùng. Hầu hết các quán chè có tiếng như số 1 Bát Đàn hay quán chè bốn mùa phố Hàng Cân đều có cách thức pha chế, xử lý như vậy để kịp phục vụ lượng khách đông đảo.

Phóng viên Thời Nay đã có khảo sát tại Hàng Buồm và khu vực chợ Đồng Xuân, đầu mối cung cấp một số nguyên liệu cho các quán chè tại khu vực lân cận. Các cửa hàng tại phố Hàng Buồm, hầu hết đều có bán nguyên liệu làm trà sữa trân châu. Nhưng câu trả lời chung cho thắc mắc về bảo đảm ATVSTP là “không biết”, “không quan tâm”, “không có sao đâu” hoặc một số ít thì khuyên “không nên uống”. Ước tính mỗi ngày, trung bình một kiot trên phố Hàng Buồm bán được khoảng 30 - 50 kg mỗi loại nguyên liệu. Hàng đặc biệt đắt khách vào những ngày nắng nóng. Khách mua chủ yếu là những quán giải khát nhỏ, những quán hàng bán tại cổng trường, một số cửa hàng ăn và các đại lý ngoại tỉnh. “Ngoài chi phí mua túi bóng, cốc nhựa để đóng gói, tiền mua máy móc pha chế khoảng 950.000 đồng, thì tiền vốn mua nguyên liệu rẻ hơn nhiều. Bảo đảm tiền lãi gấp đôi, gấp ba so với số vốn ban đầu”, chị Bùi Thu Hương, một chủ kiot tại phố Hàng Giầy tiết lộ.

Trong khi đó tại khu vực chợ Đồng Xuân, những sạp chuyên bán buôn, bán lẻ nguyên liệu nấu chè như đường phèn, thạch dừa, hạt sen… đều được đựng trong các túi nylon không có nhãn mác, xuất xứ. Khi được hỏi về các sản phẩm như nước siro hoa quả có chữ nước ngoài, các chủ sạp hàng này không nêu được nguồn gốc, xuất xứ hoặc thậm chí không nắm được các thông tin cơ bản như ngày sản xuất, ngày hết hạn sản phẩm…

Hiện nay, do phân cấp quản lý, việc kiểm tra, kiểm soát các quán kinh doanh thực phẩm, ăn uống do UBND các phường, xã đảm nhiệm vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả nước dồn sức đề phòng đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm soát chất lượng thực phẩm còn khó khăn. Đối với đồ uống trà sữa và chè, việc kiểm soát nguồn gốc chất lượng là bài toán nan giải. Bởi loại đồ uống này xuất hiện phần lớn từ các quán kinh doanh vỉa hè.

Để kiểm soát chất lượng ATVSTP, chính quyền các phường, xã cần khẩn trương thực hiện các giải pháp kiểm tra, giám sát các địa điểm kinh doanh loại thực phẩm, đồ uống. Nếu cơ sở nào kinh doanh không bảo đảm quy định về ATVSTP thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát từ khu vực cửa khẩu, trong khâu lưu thông nhằm kịp thời phát hiện nguyên liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.