Bảo đảm an toàn tại “chợ cóc” giải cứu nông sản

Bạn đọc viết:

Bảo đảm an toàn tại “chợ cóc” giải cứu nông sản

Phạm Hoàng Linh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội)

Những ngày đầu năm, thị trường nông sản ở Hà Nội nhộn nhịp hơn hẳn với hàng loạt điểm bán hàng “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân Hải Dương. Trên mạng xã hội, những lời kêu gọi chung tay tiêu thụ rau củ, hoa quả liên tiếp được phát đi với hy vọng phần nào làm vơi bớt khó khăn do dịch Covid-19 mang lại. 

Dù hoàn toàn ủng hộ việc làm nhân văn nêu trên, tôi vẫn ít nhiều lo ngại với các điểm “giải cứu” thiếu sự quản lý, giám sát của các lực lượng chức năng có thẩm quyền. Phần lớn các điểm bán hàng này đều là tự phát, được đặt ở bất cứ đâu như nhà riêng, mặt bằng kinh doanh, vỉa hè, lòng đường... Do giá các mặt hàng rất rẻ, lại có thể mua không hạn chế số lượng, nên tình trạng chen chúc, lộn xộn “giải cứu” nông sản xảy ra khá thường xuyên. Trong khung cảnh hỗn độn ấy, chỉ cần một người mang theo mầm bệnh cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Thực tế là ở nhiều nơi, đã xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông do việc mua bán diễn ra ngay dưới lòng đường. Hàng hóa, nông sản bày la liệt trên mặt đất và thậm chí cả ở dưới... cống, dẫn tới nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cho dù là nghĩa cử cao đẹp đến mấy, cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật và đặc biệt là phải bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch bệnh, không gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng. Chỉ trong vài ngày qua, tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh ùn tắc cục bộ xuất phát từ các “chợ cóc giải cứu nông sản”, hoặc “thót tim” với cách chạy ẩu tả, bất cần của một số lái xe tải dường như quá tự tin với lượng băng-rôn “chung tay hỗ trợ bà con Hải Dương” dán kín phương tiện. Việc “giải cứu” cần được quản lý chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm an toàn về nhiều mặt cho toàn cộng đồng.