Xót đất để không

Đi đó đây, nhìn những khu vực đất để không mà tiếc!

Những cánh đồng để không nhiều năm, chen chúc bèo tây. Những thửa ruộng lâu không làm gì, cây dại um tùm. Những bãi đất, bãi cỏ rộng lớn trở thành nơi vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường... Bởi những nguyên cớ khác nhau mà những khu đất đó đang trồng lúa nhưng người dân không làm tiếp, chưa chuyển đổi cây trồng phù hợp. Hoặc được quy hoạch cho mục đích khác nhưng mãi vẫn chờ đợi. Nhìn chung là rất lãng phí!

Nghĩ lại xót thêm, khi ngẫm đời sống bà con nhiều người còn chật vật, thiếu ăn, thiếu mặc, hạn chế các điều kiện sinh hoạt thiết yếu. Rất nhiều người chọn cách rời quê hương lên đô thị lớn tìm kiếm việc làm, lao động tự do mong phần nào cải thiện cuộc sống. Trong khi, đồng bãi, đất đai quê nhà lại bỏ không, bỏ hoang, bỏ phí...

Để nguồn lực đất đai lãng phí như thế, để dai dẳng tình trạng sống khó, sống khổ, sống thiếu trên đất đai rộng rãi, quý giá, có nhiều lý do. Không thể không băn khoăn về khả năng, cách nghĩ, tầm nhìn của một số bà con ta còn hạn chế. Khó, hoặc không nhìn ra để tận dụng cơ hội, cải tạo điều kiện sản xuất ở nơi mình sinh sống.

Cũng phải nghĩ nhiều hơn đến việc phát huy vai trò, năng lực của các cơ quan, đoàn thể địa phương trong việc tư vấn, hỗ trợ người dân trong sinh sống, làm việc, đồng thời nhận ra, nghiên cứu khả năng sử dụng đất đai vào việc hữu ích. Hình như ở những nơi đất bỏ không lâu năm, vai trò này còn thiếu tích cực?

Địa phương nên vận động, tạo điều kiện cho bà con sử dụng, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Hoặc khai thác sử dụng vào các mục đích công ích, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, thư giãn của cộng đồng sở tại và lân cận với hình thức miễn phí hoặc trả phí phù hợp mức độ thu nhập. Hoặc giản dị, tranh thủ trồng thật nhiều cây xanh, góp phần làm trong lành hơn bầu không khí vốn đã ô nhiễm nặng nề, ngay cả ở nhiều vùng nông thôn.

Có nhiều khả năng sử dụng đất bỏ không vào việc hữu ích khác nhau, phù hợp mỗi địa phương. Nên chăng các cấp chính quyền, sở, ngành nông nghiệp, lao động, văn hóa - thể thao, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, các hợp tác xã... quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện này? Đó chính là sự tạo dựng và tác động nhân văn với cả người và đất đai, môi trường.