Xem báo, nghe đài

Độ này bà con càng tự nhiên bồi đắp thêm thói quen xem, nghe, đọc bàn luận và chia sẻ tin hằng ngày. Gì chứ riêng các thông tin mới, tình hình diễn biến lắt léo của dịch bệnh thì khó lòng mà bỏ qua.

Hôm nay thêm mấy ca nhiễm mới, bao nhiêu người được công bố khỏi bệnh, nơi nào tổ chức cách ly, tình hình giãn cách xã hội thế nào rồi, y, bác sĩ với bệnh nhân chỗ này chỗ kia đang ra sao, rồi thì các lực lượng công an, bộ đội, các cơ sở, sân bay, cửa khẩu chống dịch đến đâu, có gì mới, có gì đặc biệt… Đương nhiên, cả những thông tin ai tung tin giả, bị phạt, ai phản ứng tiêu cực, ai làm sai, làm trái…, rồi những tiết mục tuyên truyền chống dịch, đặc biệt là chỉ thị, chỉ đạo của các cấp, rất được quan tâm.

Trong hoàn cảnh cả xã hội và đất nước đang nỗ lực phòng, chống để vượt qua dịch bệnh, đấy là tín hiệu tích cực và đáng trân trọng. Mừng cho sự nâng cao ý thức tự phòng vệ của bà con. Phải nghe, phải xem báo đài, truyền thông chứ, để mà nắm bắt tình hình chung, nhất là nơi mình đang sinh sống, để còn điều chỉnh hoạt động của cả nhà, còn chuẩn bị các thứ cần thiết cho phù hợp.

Nhìn lại thì không phải đến thời gian này, mà đã từ lâu rồi, bà con ta chăm “nghe ngóng” lắm! Nào dự báo thời tiết, tình hình ô nhiễm, chỉ số đầu ngày liên quan đến bụi mịn; giao thông trôi chảy hay bất ổn, ùn tắc; biến động của giá cả rất nhiều mặt hàng, từ giá xăng cho đến thịt lợn, giá vàng; rồi những là kế hoạch thi cử của các cháu, việc soạn, mua bán sách giáo khoa… Ngẫm những hình ảnh thí dụ trong việc tiếp nhận thông tin, cũng thấy cái nếp sống thông tin tiến triển rất ghê! Từ - đa phần là nam giới nhâm nhi tách cà-phê đầu ngày bên trang báo đọc thong thả, đọc lướt; hay các gia đình vừa ăn tối vừa mở tivi xem, nghe thời sự; đã đến nhiều chị em vừa trông hàng ở shop, ở chợ vừa tranh thủ lướt báo mạng; rồi là cả những xã, phường, quận, thành phố, bao người cùng phấp phỏng, sôi nổi xem tin.

Đời sống thay đổi nhanh chóng, nhiều vấn đề nảy sinh, biến đổi đến chóng cả mặt, không nắm bắt thông tin thì dễ dẫn đến chậm, muộn, lạc hậu hay làm thiếu, làm lệch, làm sai so nhịp vận hành chung. Mà những nhịp vận hành ấy thì lại muôn hình vạn trạng, liên quan đến biết bao nhiêu là người, đơn vị, cộng đồng, địa phương. Cho nên nghe, đọc, nắm bắt và dần dần đến cả so sánh, phân tích theo từng góc độ và điều kiện mỗi người nữa, đã phổ biến rồi. Gọi là xã hội thông tin, đời sống thông tin thật chẳng sai.

Thực tế ấy càng thêm đòi hỏi và tăng áp lực trên vai những nơi, những người làm nhiệm vụ cung cấp thông tin, chọn lựa thông tin nhằm phổ biến đến đông đảo người dân. Một nhiệm vụ, công việc mà cùng với những mục tiêu to lớn, kế hoạch vĩ mô, còn có cả những vấn đề cụ thể nhiều khi tưởng chừng nhỏ nhặt, đời thường, hòa vào nhu cầu thông tin ngày càng quen thuộc, thiết thực của quần chúng nhân dân.