Vẫn còn nhiều áp lực

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã hoàn tất nửa chặng đường. Không thể phủ nhận những nỗ lực của toàn ngành, chủ trì là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Nhưng nửa chặng đường đã qua vẫn còn nhiều áp lực cho các thí sinh và gia đình, còn nặng nề trong các khâu tổ chức thi.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước đã huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi. Bộ GD&ĐT đã thành lập tám đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương. Ngoài ra, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn thanh tra, giám sát thi THPT quốc gia 2019. Cụ thể, thành lập bốn đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chín đoàn thanh tra công tác coi thi, một đoàn kiểm tra, trực thanh tra coi thi.

Thế nhưng kỳ thi diễn ra vẫn chưa thật sự “nghiêm túc, an toàn”. Ngày thi đầu tiên với môn thi Ngữ văn, đã có thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi chụp đề thi và chuyển ra ngoài, đăng trên mạng xã hội. Tại Bình Định, ngày thi thứ hai, một thí sinh đã mang điện thoại vào phòng thi để chụp đề môn Vật lý và bị phát hiện. Trong kỳ thi có sáu cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, ba thí sinh bị cảnh cáo, bốn thí sinh bị khiển trách). Riêng tại TP Hồ Chí Minh, sự cố thiếu đề thi ở hàng loạt điểm thi là rất khó chấp nhận.

Để phục vụ việc chấm thi, ngành GD&ĐT khẳng định, tất cả các khâu từ chuẩn bị thi cho đến coi thi và chấm thi được chuẩn bị chặt chẽ. Bộ đã sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa, hạn chế tối đa những sai sót, kể cả tiêu cực. Chưa bao giờ dày đặc camera giám sát nơi chấm thi đến thế. Để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, có địa phương phải đầu tư vài trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị.

Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật chỉ là công cụ hỗ trợ. Yếu tố con người mới là quyết định. Để kỳ thi trở về đúng nghĩa của nó thì đâu cần thiết phải cồng kềnh và tốn kém như vậy! Nếu một xã hội không còn nặng bằng cấp, có chính sách phân luồng rõ ràng và để thị trường lao động chắt lọc người tài thì xã hội cũng như toàn ngành giáo dục sẽ không phải gồng mình lên như vậy.