Vẫn chưa vực lên được

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Nhìn chung, tất cả các môn thi năm nay đều có điểm trung bình cao hơn năm 2019. Điều này cũng dễ hiểu bởi đề thi được đánh giá “dễ thở” hơn, một phần do kỳ thi năm nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT được tinh giản bởi tác động của dịch Covid-19. Thế nhưng, riêng hai môn tiếng Anh và Lịch sử, điểm thi vẫn còn “lẹt đẹt”.

Đây là hai môn thi rất được quan tâm bởi môn Lịch sử như một yêu cầu bắt buộc để học sinh hiểu về cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc, định vị đúng giá trị một người Việt Nam; còn tiếng Anh như cánh cửa mở ra với thế giới, hướng tới công dân toàn cầu, là công cụ tối quan trọng để mỗi một người học tập, làm việc ở thời đại 4.0. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, chất lượng học tập hai môn này vẫn chưa có những chuyển biến như mong đợi.

Có một thực tế, ngày nay không ít học sinh đang sao nhãng học sử, xa rời vốn quý về cội nguồn dân tộc. Tất nhiên không phải vì họ muốn quên công ơn sâu nặng của cha ông ta và càng không phải họ muốn lãng quên những năm tháng bi hùng, vang dội năm châu ấy. Họ không hứng thú đơn giản chỉ vì các bài học và cách dạy sử còn dài dòng, khó nhớ và khô khan, rất khó học thuộc. Việc này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu nhà trường tổ chức thêm nhiều cuộc tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, hay giáo viên dạy theo phương pháp sáng tạo và chủ động hơn dành cho học sinh. Nhưng thực tế ít trường làm được cả hai điều trên và học sinh chưa mặn mà với môn sử cũng vì nguyên nhân ấy.

Còn với môn tiếng Anh, thường phân hóa rất rõ rệt theo vùng miền, tỉnh, thành phố. Ở thành phố lớn, phụ huynh và học sinh có xu hướng quan tâm tiếng Anh hơn. Dù không sử dụng để xét tuyển đại học, họ vẫn đầu tư cho con học tiếng Anh vì biết được tầm quan trọng của nó. Hơn nữa, điều kiện về kinh tế, cơ sở vật chất, các trung tâm nhiều hơn, giáo viên chất lượng tập trung ở thành thị đông hơn cũng góp phần nâng cao mặt bằng điểm tiếng Anh. Ngược lại, ở vùng nông thôn, nhiều thí sinh hoàn toàn không quan tâm đến tiếng Anh và chỉ học để mong thoát điểm liệt, đủ điểm tốt nghiệp. Bên cạnh đó, giáo trình tiếng Anh hiện vẫn còn những bất cập, khô khan dẫn đến người học không cảm nhận được hết cái hay, chưa hiểu thấu đáo vấn đề của ngôn ngữ.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhà trường và Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng cải tiến đồng bộ phương pháp dạy và học đối với hai môn học này. Quan trọng là tạo được động lực cho người học, khi người học nhận thấy học Lịch sử thật hấp dẫn hay học ngoại ngữ là hành trang thiết yếu thì việc học sử hay học ngoại ngữ sẽ dễ dàng hơn và có chất lượng!