Ứng phó với thời tiết cực đoan

Gần như đã đến một giai đoạn của đời sống mà mỗi chặng chuyển động của tự nhiên đều gây ra những tác động đáng sợ! Qua chuỗi ngày nắng đổ lửa như làm khô khát mọi thứ vừa rồi, là đột ngột sang ngay những ngày mưa nhưng không nhẹ nhõm, thong dong mà đi kèm những thông tin đầy nghi ngại của cơn bão số 2 và nhiều cảnh báo. 

Nào nguy cơ ngập nước, lụt hay cây đổ ở đô thị lớn. Nào nguy cơ gây sạt lở, lũ quét ở miền núi, địa hình dốc, trơn trượt. Nào nguy cơ làm hại lúa, hoa màu sau một đợt nắng hạn khô héo khốn khổ… Có thể thấy, nắng, mưa đều đang có xu hướng cực đoan với những bước chuyển chẳng mấy êm đềm, chẳng mấy dễ chịu, mà cứ thay nhau dồn dập “tiến công” cuộc sống bình thường của bao người. 

Thế nên là ngoài những nỗ lực tuyên truyền, chỉ đạo và hành động phòng, chống của các cấp, thì đời sống bà con cũng xoay chuyển gần như là cấp tập để mà phòng ngừa, đối phó, thích ứng. Nắng nỏ khô hạn thì dè sẻn nước, rồi đi tìm, kiếm, khoan, đào nước để cố giữ cho cả người lẫn cây trồng, vật nuôi đỡ bị “úa héo”. Bão rình rập ngoài khơi và mưa lấm chấm vào đến đất liền thì che chắn, chằng chống, chuẩn bị nào tải, nào xuồng, nào những đồ dự trữ. Câu hát “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” đã từ lâu quả thật đúng với hoàn cảnh bà con mình hôm xưa, hôm nay và chắc cả lâu dài sau này.

Những người trong cuộc là đông đảo người dân, người lao động có mức sống trung bình, thấp thì thấm đẫm cái nỗi vất vả ấy lắm! Chống chọi cơn nắng này rồi lại phòng vệ ngay trận mưa khác. Nhiều những sự làm sự học, sự nghỉ ngơi, đi lại đều ít nhiều bị ảnh hưởng theo hàng chuỗi lo toan trước biến động trời, đất, rừng, núi, sông, biển. Rồi bỗng chốc lại tái “khởi động” cuộc tiến công của dịch bệnh, khiến cho nhiều việc lớn, việc nhỏ phải chuyển hướng, điều chỉnh, phải thay đổi. Sự dồn nén, đe dọa của những bất thường đó ngày càng làm tăng thêm những áp lực vốn đã nhiều trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

Những xáo trộn, những biến động trong đời sống thường nhật như hiện nay, hẳn đã có nhiều những phản hồi vào sự quan sát, nắm bắt của bộ máy quản lý, các cơ quan chức năng. Điều quan trọng hơn, những bất thường, xu hướng cực đoan của thời tiết, thiên nhiên, những vất vả, lo toan của người dân… cũng cần được nhanh chóng phản chiếu vào việc xây dựng, điều chỉnh chính sách, cơ chế trong công tác quản lý, định hướng, điều hành các hoạt động xã hội. Sớm chuẩn bị cho những kịch bản nhằm ứng phó, áp dụng kịp thời vào những bối cảnh có nhiều biến động, thậm chí có cả sự lộn xộn và cả nhiều tổn thất, mất mát do tác động của tự nhiên gây nên. Đó là công việc rất cần thiết và cấp bách bên cạnh nhiều chương trình, kế hoạch dài hạn khác.