Từ “việc nhỏ”

Báo cáo của LHQ xếp Việt Nam đứng vị trí thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Đó là một cảnh báo đáng quan tâm, và vì thế, lâu nay, vấn đề xử lý rác thải nhựa được đưa ra ở nhiều hội nghị, được nhiều bộ, ban, ngành và các địa phương quan tâm, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.

Tuyên truyền qua các sự kiện, treo biển ở các địa điểm du lịch là việc hết sức cần thiết, để người dân, du khách có ý thức không xả rác bừa bãi. Nhưng sâu xa, để hạn chế rác thải nhựa, phòng tránh trước thảm họa “ô nhiễm trắng” thì rất cần những hành động thiết thực.

Như cách mà các em học sinh lớp 5 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đang chung tay thực hiện dự án “Nói không với bọc vở nylon”.

Bọc vở bằng những bao nylon được sản xuất hàng loạt, rất tiện dụng, nhiều trường khuyến khích sử dụng nên đã xuất hiện ở khắp các trường học, khắp các cấp học. Tuy nhiên lâu nay ít ai “nghĩ ngược”, chính những bao bọc trong suốt ấy cũng góp phần để lại những hệ lụy cho môi trường.

Các bạn học sinh lớp 5 vừa kể ở trên đã làm một thống kê: Nếu mỗi học sinh tiểu học thường sử dụng từ 30-50 bọc vở nylon mỗi năm học, thì chỉ tính riêng một trường với 3.750 học sinh một năm học đã thải ra môi trường khoảng 187.500 chiếc bọc vở. Nếu lấy số đó nhân với hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc năm học vừa qua thì con số bọc vở nylon quả là không nhỏ.

Trong khi, các nghiên cứu cho thấy, tác hại của nhựa và túi nylon đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn.

Vì thế, “Nói không với bọc vở nylon” là dự án đáng khích lệ của 170 bạn học sinh và 30 thầy, cô giáo Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Việc làm này xứng đáng được Bộ GD&ĐT quan tâm, nhân rộng trong tất cả các trường học. Trong trường học, nếu thầy cô giáo, các hoạt động phong trào chỉ tuyên truyền bằng khẩu hiệu, bằng lý thuyết suông, mà quên áp dụng vào thực tế, thì chẳng khác “đánh trống bỏ dùi”. Bởi chỉ khi tạo ý thức cho tiết kiệm, bảo vệ môi trường ngay bằng những việc tưởng chừng rất nhỏ bé như bọc vở nylon, thì thói quen tốt sau này mới tiếp tục được nảy nở.

Xây dựng ý thức, phải bắt đầu từ những việc nhỏ!