Trưa nay con ăn gì?

Từ hôm con tựu trường tới giờ, chiều nào, tối nào khi gặp con, tôi cũng hỏi trưa nay con ăn gì, hoặc bữa trưa con ăn có ngon miệng không? Một câu hỏi dường như lặp đi lặp lại, không phải để cho có, mà có phần lo lắng.

Con tôi mới học lớp hai ở trường tiểu học một quận ngoại thành, còn quá nhỏ để có thể phân biệt đâu là thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch. Nên câu trả lời của cháu thường là: Hôm nay con ăn cơm với cá. Hôm nay con ăn cơm với thịt. Hôm nay có món canh rau ngon lắm… Cũng có hôm, cháu bảo hôm nay có món đậu mặn quá, con phải bỏ lại…

Đoạn hội thoại thường chỉ có thế, và tôi luôn khuyến khích cháu hãy bỏ lại đồ ăn con cảm thấy “quá mặn” hay có cảm giác không thích, cảm thấy “ghê ghê”…

Trò chuyện với con là một niềm vui, là việc “thường ngày”. Và trò chuyện về bữa trưa bán trú có thể giúp cho cha mẹ có thêm một chút thông tin về cái ăn, cái uống của con em mình. Vẫn biết, sẽ rất phiến diện khi căn cứ vào lời con trẻ để “giám sát” nhà trường, hay những đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho các trường học. Nhưng những thông tin con trẻ nói ra về bữa trưa của chúng ở trường học là cảm nhận trực quan của chúng, và thường khiến phụ huynh có thể an tâm hay thoáng chút âu lo.

Năm học mới vừa bắt đầu. Câu chuyện về bữa ăn bán trú đang được nhiều phụ huynh quan tâm. Mà đâu chỉ phụ huynh, thực tế nhiều trường cũng rất quan tâm đến bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, sự thật là năm học nào cũng xảy ra những vụ học sinh ngộ độc thực phẩm, thậm chí, trong suất cơm có giòi, có mùi thiu thối… Những sự việc gây bất an đó không chỉ xảy ra ở những nơi xa xôi, điều kiện kinh tế, phương tiện vận chuyển khó khăn, mà ngay tại Hà Nội. Điều đó khiến cho bất cứ ai có con em đang gửi lại trường, ăn bữa trưa ở trường, đều cảm thấy có chút gì đó chưa an tâm, hoặc nơm nớp đề phòng. Bây giờ lại thêm nỗi lo thực phẩm ấy có được khai thác từ khu vực bị ảnh hưởng do ô nhiễm hay không…

Vì thế, bước vào năm học 2019 - 2020, câu chuyện bữa ăn học đường rất cần phải được nêu ra, phải được quan tâm. Quan tâm một cách thật sự, thật lòng. Quan tâm không chỉ từ phụ huynh học sinh, mà phải bằng sự chu đáo, trách nhiệm của nhà trường, của ngành giáo dục, và bằng cả sự tử tế của những đơn vị cung cấp dịch vụ bữa ăn bán trú. Khi đó, thực phẩm bẩn mới không trà trộn vào miếng thịt, miếng rau trong bữa ăn học đường của con trẻ.