Triệt tiêu hành vi côn đồ

Nhiều ngày qua, dư luận bức xúc vì những kẻ ngông nghênh, có những hành vi côn đồ, trái pháp luật, thậm chí thách thức pháp luật và công luận. 

Như ở TP Bắc Ninh, có kẻ nhục mạ khách hàng vì phát hiện ra thức ăn bẩn tại nhà hàng của kẻ đó, thậm chí còn ghi hình cảnh bắt khách quỳ lạy rồi phát lên mạng. Như ở huyện Đông Anh, Hà Nội, có chủ quán karaoke hành hung nhân viên mới vì không chịu tiếp khách, sau đó còn nhốt cho đến tận khi công an kiểm tra… 

Các trường hợp “coi trời bằng vung” này đã bị phát hiện và đang bị xử lý theo pháp luật. Cũng mới nhất, kẻ lũng đoạn dịch vụ tang ma ở Thái Bình đã phải đứng trước vành móng ngựa. Nhiều lắm, những trường hợp “hổ báo, đại bàng”, những hành vi côn đồ, hung hãn trong xã hội bị phản ánh, phát hiện và xử lý.

Nhưng cùng với đó, người ta nhận thấy vẫn còn không ít lo lắng, bức xúc và cả sợ hãi trong đời sống cộng đồng, khi đang phải “chung sống” với nhiều những đối tượng như vậy. Có những trường hợp là cả hội, nhóm, có hung khí, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra xô xát, ẩu đả trong xã hội. “Nhẹ” hơn, không ít trường hợp là những kẻ bất hảo, sẵn sàng nặng lời, có hành động gây gổ, thách thức với những người chung quanh trong đời sống bình thường. Thí dụ khác, cách đây không lâu, nghị trường còn có những ý kiến khác nhau về sự phát triển của dịch vụ đòi nợ thuê. Thực tế cho thấy, cách đòi nợ trong nhiều trường hợp đầy tính đe dọa, khủng bố tinh thần, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Và cả thời gian qua, hình thức đòi nợ cũng biến tấu đa dạng với cách nhắn tin đe dọa, nhắn cho cả người thân, bạn bè của người bị đòi nợ, hoặc tung tin bôi nhọ nhằm gây áp lực tâm lý cho tất cả những người nhận được thông tin. 

Đối mặt những hành vi, hiện tượng, đối tượng côn đồ, phạm pháp như thế, lực lượng công an, các cơ quan chức năng đã có nhiều cuộc tiến công, triệt phá, điều tra, kiểm tra để đưa ra ánh sáng, xử lý theo mức độ vi phạm. Nặng thì xét xử trước công luận, “nhẹ” hơn là xử phạt, nhắc nhở, giám sát hành vi để phòng ngừa khả năng tái phạm. 

Rất cần làm cho hoạt động này trở thành phong trào, mặt trận chung của quần chúng nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, phản ánh, tố cáo các hành vi côn đồ, “hổ báo”; bằng sự sâu sát với cơ sở và sự quyết liệt, minh bạch khi xử lý các vụ việc. Cần giúp cho bà con ngày càng vững vàng, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng ở khối phố, khu tập thể, thôn, làng; tin tưởng vào sức mạnh của cơ quan công an, tâm huyết của chính quyền trong việc bảo vệ người dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Sự đoàn kết, niềm tin đó sẽ góp phần tăng cường sức mạnh người dân, sẽ không còn những quần chúng phải lo lắng, sợ hãi trước những hành vi côn đồ. Và ngược lại, những đối tượng du côn, những kẻ “anh chị” cũng sẽ phải tự rút ra bài học, phải biết sợ cộng đồng sở tại, biết ngại công luận, để dần bớt đi, điều chỉnh, thay đổi thói ứng xử hung hăng, càn rỡ của mình.