Thu phí rác thải theo kg, khả thi không?

Thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng - kg, dù chỉ mới được nêu ra để bàn thảo nhưng đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có người lo ngại tính khả thi. Một số người thì lo lắng thật sự vì có thể tăng thêm gánh nặng chi phí trong sinh hoạt.

Lâu nay, rác thải sinh hoạt được thu theo đầu người và vấn nạn rác thải đang trở thành nỗi băn khoăn cho xã hội. Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng lớn, nhất là ở các đô thị, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nhức nhối.

Rác thải sinh hoạt nhiều, lại thêm ý thức chưa tốt của một bộ phận người dân nên những tấm biển “không để rác ở đây”, “đổ rác ở đây nếu phát hiện bị phạt 500.000 đồng” xuất hiện tại nhiều ngõ phố ở Hà Nội. Thậm chí có cả chiến dịch kêu gọi người dân “xả rác ít thôi” nhưng xem ra vẫn không ăn thua.

Thế nhưng, cũng có ý kiến trao đổi lại, rằng rất ít nơi thấy tấm biển của các cơ quan có trách nhiệm, rằng “để rác ở đây”, hay thấy các thùng phân loại rác thải để người dân nâng cao trách nhiệm, phân loại rác ngay từ nhà.

Những băn khoăn ấy không phải không có lý. Một vài lần, ở một số quận, phường, khu dân cư “điểm” cũng đã thấy xuất hiện các thùng rác ghi rõ “rác vô cơ”, “rác hữu cơ”… Thế nhưng, sau một thời gian thí điểm, những thùng rác ấy nhanh chóng biến mất. Và người ta cũng chỉ thấy chúng ở một số địa điểm, thường là không thuận tiện lắm cho việc người dân đi bỏ rác.

Bên cạnh đó, nhà máy xử lý rác thải là cái gì đó rất… xa xỉ, không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Ngay cả như đô thị lớn Hà Nội về cơ bản vẫn phải trông cậy vào bãi rác Nam Sơn. Một khi xe chở rác không vào được bãi rác là rác thải sinh hoạt ùn ứ chất chồng trong nội thành, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Chính vì vậy, câu chuyện thu phí rác thải theo khối lượng được nêu ra, nhiều người chưa tin lắm vào tính khả thi. Có thể việc này là cần thiết vì có như vậy, người dân sẽ có ý thức hơn trong vấn để rác thải sinh hoạt. Nhưng cũng còn băn khoăn, rằng có thể nước ngoài làm được, nhưng với điều kiện xã hội còn nhiều hạn chế, khó khăn như ở Việt Nam thì khó. Khó từ việc thực thi thu phí rác cho đến việc giám sát người dân phân loại rác. Thậm chí, cũng cần đề phòng người dân sẽ “lách luật” để giảm chi phí bằng cách… bỏ rác trộm. Thực tế hiện nay đang cho thấy, những bãi rác tự phát ngày càng nhiều.

Nhưng cần phải hành động quyết liệt để xử lý vấn đề rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Không có cách nào khác, chỉ có thể thực hiện bằng sự đồng bộ, từ việc truyền thông nâng cao ý thức người dân cho tới các địa phương đầu tư xử lý rác thải. Cần sớm có quy định cụ thể về việc phân loại rác ngay từ các hộ. Nhiều gia đình hiện nay đã thực hiện phân loại rác để rèn cho con cái ý thức giữ gìn môi trường, nhưng do không đồng bộ nên đã chỉ sau một thời gian là “bất khả thi”. Các địa phương cũng phải có kế hoạch đầu tư đồng bộ từ quá trình vận chuyển, bởi đã phân loại thì phải gắn khâu vận chuyển và xử lý phù hợp từng loại rác. Tuyệt đối tránh tình trạng thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”.