Thêm tai, mắt từ quần chúng

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã khuyến khích người dân ghi nhận, phản ánh, cung cấp hình ảnh về những hành vi vi phạm an toàn giao thông, nhằm kịp thời nắm bắt, xử lý các trường hợp làm trái pháp luật.

Đã có trường hợp cả một chiếc xe bus trèo lên vỉa hè bị ghi lại. Hoặc, những clip ngắn từ các camera hành trình về một số sự cố, vụ va chạm trên đường, cũng được cung cấp, đăng tải để cảnh báo người tham gia giao thông, nhằm góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và đề phòng nguy hiểm.

Để xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, rất nên tuyên truyền, động viên quần chúng tích cực thực hiện việc làm trên. Không chỉ đối với những vi phạm tức thời, mà cả những hiện tượng, tình trạng kéo dài. Thí dụ như xây dựng, tập kết vật liệu ảnh hưởng hành lang an toàn giao thông; lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, kể cả đường đi lối lại trong xóm, ngõ; hay xâm phạm đê điều; vi phạm an toàn đường sắt, đường thủy…

Rộng hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, công tác bảo đảm an toàn giao thông, mà trong nhiều lĩnh vực, công việc khác của đời sống xã hội, nếu như xảy ra những vi phạm, những hành động xấu cũng rất cần những hình ảnh để nhằm mục đích cảnh báo người vi phạm. Thí dụ, như tập kết rác thải bừa bãi; xả thải trái phép xuống sông, hồ, ao; sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, làm ảnh hưởng các khu dân cư; tiêu cực trong bệnh viện; phá hoại cây xanh…

Những vi phạm như thế, khi phát hiện, người dân cần nhanh chóng truyền tải đến cơ quan chức năng. Bởi thực tế, sự vi phạm có thể diễn ra ở rất nhiều nơi, nhiều lúc mà không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng phát hiện kịp thời. Mặt khác, để xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, rất cần thúc đẩy việc phát hiện và cung cấp hình, ảnh về những vi phạm để kịp thời xử lý trên cơ sở quy định của pháp luật và quy định chung của cộng đồng. Việc có những chứng cứ rõ ràng sẽ giúp phòng, tránh những hành động giải quyết tại chỗ một cách bức xúc, cảm tính, bằng “luật riêng”…, dễ để lại những hệ lụy khó lường.

Để pháp luật được thực thi một cách công bằng, khách quan, các cơ quan chức năng rất cần tích cực, nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, dữ liệu từ người dân để giải quyết kịp thời. Đồng thời, việc xử lý cũng phải nghiêm túc, chặt chẽ, thấu đáo trên cơ sở pháp luật và thông báo rõ ràng đến người cung cấp, quần chúng nhân dân nói chung. Có như vậy mới khiến người dân tin tưởng và tích cực phản ánh, cung cấp hình, ảnh hợp tác nhằm góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và an toàn, văn minh.