Sống chung với bụi mịn?

Một trong những niềm tự hào của một đô thị như Hà Nội là “thành phố xanh”. Xanh đến đâu thì chắc còn phải tranh luận, song có một sự thật, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức đáng báo động. Điều này hằng ngày người dân đi ra đường đều có thể cảm nhận.

Nhưng đâu chỉ có sự chủ quan của cảm nhận. Thiết bị quan trắc môi trường, đo nồng độ không khí ở gần trăm điểm trong thành phố đã cung cấp những con số đáng quan tâm. Quan ngại hơn, khi những thông tin gần đây còn cho thấy một thực tế cần cảnh báo: Nồng độ bụi PM 2.5 tại Hà Nội liên tiếp ở mức không an toàn.

Bụi PM 2.5, hay còn gọi là bụi mịn, với kích cỡ nhỏ hơn 2,5 micromet, được ví như sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào các cơ quan trong cơ thể, thậm chí đi thẳng vào máu, gây ra hàng loạt căn bệnh về hô hấp, tim mạch.

Mà không chỉ Hà Nội, một đô thị lớn là TP Hồ Chí Minh hiện cũng là nơi người dân phải đối mặt với bụi mịn. Trong số các thành phố bị ô nhiễm bởi bụi PM 2.5, thì TP Hà Nội xếp thứ hai trong khu vực Đông - Nam Á và xếp thứ 209 trên toàn thế giới, còn TP Hồ Chí Minh xếp thứ 15 trong khu vực và đứng thứ 455 so trên thế giới.

Điều này gây lo lắng cho nhiều người, bởi với bụi mịn, thì ngay cả những người hằng ngày ra đường cẩn trọng đeo khẩu trang kín mít cũng không thể ngăn cản được. Thậm chí, theo các chuyên gia y tế, máy lọc không khí đắt tiền cũng không ăn thua.

Thế thì phải “sống chung” với bụi mịn hay sao?

Câu trả lời, có vẻ bi quan, là… có lẽ vậy! Có lẽ phải sống chung thôi, nếu như các cấp, các ngành không đưa ra những biện pháp hữu hiệu, quyết liệt để chống ô nhiễm không khí; và nếu tất cả chúng ta không cùng chung tay, không tự ý thức cải thiện sinh hoạt, hành vi của mình thì không thể nào tiêu diệt được bụi mịn. Bởi cần biết rằng, bụi mịn sinh ra từ việc đô thị phát triển thiếu kiểm soát, khi ô-tô và xe máy quá nhiều, từng giờ từng phút thải ra rất nhiều khói bụi, sản sinh ra nhiều sản phẩm trung gian và nhiều tạp chất khác như cacbon, sunphua, nitơ, lưu huỳnh và các hợp chất kim loại như chì… Thêm vào đó, việc đốt rơm rạ ở các vùng nông thôn của Hà Nội hay quanh Hà Nội những ngày qua cũng góp thêm nguyên nhân làm gia tăng bụi mịn. Đừng tưởng về đêm bụi mịn ít hơn. Bằng những quan trắc gần đây, với việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, thì nồng độ bụi mịn tại Hà Nội tăng cao rõ rệt, bắt đầu từ khoảng 23 giờ và kéo dài hai - ba giờ đồng hồ tiếp theo...

Bụi mịn đặc biệt nguy hiểm, nhưng bụi mịn không tự sinh ra. Và tháng 6 - Thành hành động vì môi trường cũng không phải chỉ dừng lại ở những băng-rôn, khẩu hiệu!