Sẵn sàng đón du khách trở lại

Du khách đến Sầm Sơn, Thanh Hóa mấy năm gần đây cảm nhận nhiều đổi khác. Đường to, rộng, quang quẻ, nhất là… sạch sẽ. Khách sạn, nhà nghỉ cũng có khác, nhìn thấy tươi tắn, sáng sủa, tiện nghi hơn và cũng… sạch hơn.

Bờ biển, thay bằng những quán xá, lều lán và các ki-ốt sặc sỡ chen chúc, nay thật sự thoáng đãng với những quầy hàng khang trang nối liền với những hàng cây mới. Đáng chú ý nữa, trên đường phố thường xuyên có lực lượng an ninh đi kiểm tra, ngăn tình trạng taxi, xe điện bắt khách, dừng đỗ lộn xộn. Liên quan đến ẩm thực thì chất lượng đồ ăn thức uống đã được bảo đảm hơn trước nhiều, thông tin về giá cả cũng rõ ràng, cụ thể.

Những nét mới khiến nhiều người có tâm lý đã đến rồi, dự định sẽ còn quay lại nữa, vào các mùa du lịch sau, những chuyến đi nghỉ tiếp theo. Điều đó khác hẳn với một thời chưa xa, sau một chuyến đi tới đây, nhắc lại, không ít người… vẫn nguyên cảm giác không hài lòng vì đã chứng kiến hoặc phải “nếm” không ít bất cập tại đây. Tâm lý mong quay lại ấy, cũng là tâm lý chung của rất nhiều du khách khi nhắc đến biển Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Đà Nẵng, Nha Trang…, cùng nhiều địa danh du lịch biển đang phát triển khác như: Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc…

Đấy là nhờ một phần rất quan trọng và cơ bản, từ sự quan tâm, phối hợp đồng bộ trong chủ trương, chính sách, định hướng phát triển, công tác quản lý, tuyên truyền từ các cấp chính quyền, ngành du lịch và người dân, cùng với sự thay đổi nhiều mặt về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm, giá cả, nếp sống và ứng xử văn minh. Những nét thay đổi, mới mẻ đó cho thấy, đây là xu hướng tất yếu mà các địa phương có du lịch biển sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy. Cụ thể hơn, sẽ là sự ủng hộ, lựa chọn của nhiều chủ khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, rất có thể sẽ là của nhiều người hoặc hộ gia đình làm dịch vụ nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp và bà con ngày càng thấy rõ ràng: nếu sạch, mến khách, tiện lợi, tiện nghi, minh bạch và lịch thiệp, có trao đổi, tư vấn rõ ràng, thì các dịch vụ, sản phẩm du lịch của mình, của địa phương mình sẽ được ưu ái, tín nhiệm. Ngược lại, nếu chậm thay đổi, không chịu đổi mới, thì bản thân và địa phương sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi do vắng khách, do bị suy giảm uy tín, hình ảnh.

Vậy những nơi nào đó còn lưu cữu cách nghĩ, cách làm cũ với quan niệm “mài dao cả năm cho ba tháng hè”, địa phương và bà con cần nhanh chóng thay đổi, nếu không sẽ bị lạc ra, bị rớt lại trong cuộc phát triển và cạnh tranh du lịch biển đang hồi trở lại sau thời kỳ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.