Quản trường học, không dễ!

Cổng trường tiểu học một quận vùng ven, nơi con trai tôi sắp học năm cuối cấp, sáng nay chật cứng người. Các bậc phụ huynh chen chân để gửi xe vào bên trong, chắc là không yên tâm khi thả con xuống cổng.

Đoạn đường này hẹp, hàng quán bán lấn ra ngoài, tạo nên cảnh tượng hết sức lộn xộn. Một số đứa trẻ được kêu xuống xe, tự đi vô lớp. Cũng không khó hiểu, hôm nay là sáng thứ hai, cha mẹ chúng còn phải đến chỗ làm, đối mặt với cơm áo gạo tiền. Cả các ông bố, bà mẹ đang chen chúc mắng mỏ nhau để có thể nhanh chóng hoàn thành công đoạn đưa con đến lớp kia, họ cũng bận rộn nên vội vàng, nóng nảy. Dễ hiểu và thông cảm.

Nhưng có điều lạ là tuyệt nhiên không thấy bất cứ đại diện nào của nhà trường có mặt ngoài hai bảo vệ đang túi bụi xé vé, thu tiền xe còn không kịp kia. Có khó lắm không, để bố trí một người đón học trò, một người điều tiết xe cộ ra vào cho bớt hỗn loạn? Lỡ như, có một hai học sinh vì chen lấn vô lớp mà bị phỏng pô, hay bị xe máy chèn lên chân, hoặc tình huống xấu hơn nữa... thì nhà trường có tránh được trách nhiệm? Hay lúc đó sẽ lại xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, mong mọi người chia sẻ cho cái khó của nhà trường?

Gọi cho thầy chủ nhiệm năm trước của con, rồi vẫn chưa thấy yên tâm. Nghe giọng người đàn ông nói chuyện toàn “cảm ơn” với “sẽ” xem chừng nói qua quýt lắm. Muốn gọi cho thầy hiệu trưởng, nhưng sực nhớ chuyện năm ngoái, lúc mua đồng phục cho con. Nhiệt tình xin một cuộc hẹn gặp thầy, đề nghị đừng để phụ huynh chen chúc huýt hoáy nhau lúc mua đồng phục nữa, xấu mặt phụ huynh lẫn xấu hình ảnh trường, sao không đề nghị mọi người xếp hàng, sao cô bán đồng phục ăn nói chỏng lỏn “tên?”, “mấy ký?”, “mấy bộ?” như thế...

Cuối cùng thì sao?

Đã vài năm, tôi từng khá hăng hái làm ở hội phụ huynh, góp ý cái này, phụ đỡ cái kia, đứng lên ý kiến lẫn lăn xả các kiểu. Rồi mỏi mệt. Rồi nản dần. Rồi thất vọng. Rồi đôi lúc chỉ muốn buông.

Thừa biết rằng, quản lý một trường tiểu học thực ra không đơn giản. Chuyên môn thôi chưa hề đủ. Khả năng bao quát, ăn nói, xử lý, cái nền hiểu biết về văn hóa xã hội, những dự tính cần cả tâm và tầm... tất cả đều thiếu, thì có cố cũng không được. Mà thực ra thì họ có cố không?

Hôm nay, con của bạn cũng đến trường, như con tôi? Bạn có lặng lẽ đứng ở một góc cổng trường mà buông tiếng thở dài, giống như tôi không? Hy vọng rằng, bước vào năm học mới, các nhà quản lý nhà trường sẽ đổi mới tư duy, làm việc vì học trò. Có như vậy, các bậc phụ huynh mới yên tâm gửi con đến trường và an tâm đi làm!