Phiền toái nội đô

Giờ gặp nhau, trong câu chuyện thường ngày, nhiều người có thêm nỗi ca cẩm. Ca cẩm thì rõ là không bằng lòng, là bức xúc, lo lắng rồi. Đời sống trong thành phố bây giờ lắm phiền toái quá! Người đâu ra mà đông thế, ăn ở ngày càng chật. Rồi tắc đường, ùn ứ, đi mãi mới đến cơ quan, mới về đến nhà. Khói bụi phát ngất.

Thông số về bụi mịn vọt lên đỉnh điểm làm cả thành phố khiếp hãi! Lại còn nước, mấy ngày nước sinh hoạt nhiễm bẩn làm dân bao nhiêu địa bàn lao đao. Rồi chuyện xe đón con đi học, thức ăn, thức uống của con ở trường nữa, nghĩ mà lo. Sống trong thành phố giờ khó khăn, vất vả thật!

Nhưng bảo đi chỗ khác, hay có ra vùng ngoài, tìm thêm, tạo không gian mới cho đời sống, thì chưa chắc. Cứ phải gắn lấy thành phố, bám vào nội đô, hướng về trung tâm. Đời mình, rồi chuẩn bị cho đời con cái mình, cũng đặt mục tiêu đó. Những cái nghĩ ngợi này nó như thói quen, như quan niệm, đã thành nếp sống, ăn sâu bén rễ trong nhiều người qua nhiều năm.

Hoàn toàn có thể biện luận và thông cảm cho điều đó, nhất là khi đã thành nếp sống, và được ràng buộc bởi nhiều thứ thiết yếu liên quan. Nào nơi làm việc gần. Chợ búa đầu khu, đầu đường đã quen. Bệnh viện ngay gần đấy, có gì nhỡ đêm hôm thì vù một cái là đến được. Rồi trường học cho con cái ở trong này cũng yên tâm hơn. Rồi rạp phim, các shop, rồi siêu thị. Họ hàng, bạn bè, cũng gần gần quanh đây cả… Cái tâm lý không thể tuột khỏi tay những điều kiện thuận tiện, phù hợp như thế, âu cũng là lẽ thường phổ biến.

Việc ca cẩm cứ ca cẩm, cuộc sống vẫn cứ phải bám chặt lấy trung tâm, đều có lý do cả, và đã thành quen. Nhưng còn có những gì mong sẽ thành quen nữa, cho những thay đổi tốt hơn, đỡ ngột ngạt, tư tưởng thoải mái hơn lên? Làm gì để ở không chỉ nội đô cũng tiện công việc, cũng đủ đầy các điều kiện hạ tầng, dịch vụ, học tập, khám, chữa bệnh… để có thể yên tâm sống.

Việc này không phải một gia đình, một khu tập thể, một cộng đồng tự làm được. Cũng không bắt đầu từ tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Mà từ sự chuẩn bị thiết thực, chu đáo, nhưng cũng rất cần nhanh chóng của bộ máy chính quyền và các cơ quan chức năng. Phát triển cơ sở hạ tầng ngoại thành, vùng ven, khu vực xa trung tâm. Bảo vệ và tạo dựng không gian, cảnh quan. Hoàn thiện các điều kiện dịch vụ, hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí. Di chuyển các cơ sở sản xuất cần phải di chuyển ra khỏi nội đô… Thúc đẩy hướng phát triển đó là một trong những chìa khóa giãn mật độ dân cư, phương tiện ở nội đô, trung tâm, giảm xu hướng “nội đô tiến”. Có thế thì mới giảm được ùn tắc, ô nhiễm, giảm đi những phiền toái, bất trắc, giảm những lo lắng, băn khoăn hằng ngày cho rất đông người.