Nút thắt đã tháo

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 đã chính thức xác nhận những nội dung mở rộng phạm vi quyền tự chủ của các trường ĐH, tạo ra bước thay đổi căn bản trong phương thức quản lý và hoạt động của hệ thống giáo dục ĐH công lập ở nước ta.

Như vậy, hành lang pháp lý đã có “nút thắt” thực hiện quyền tự chủ của các trường ĐH công lập được tháo gỡ. Vấn đề còn lại giờ đây phụ thuộc sự năng động, chủ động, sáng tạo của mỗi trường trong xây dựng chiến lược phát triển cho đơn vị mình; làm thế nào để các trường vừa đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học, vừa “trụ” được trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh hiện nay.

Tự chủ không có nghĩa Nhà nước “bỏ rơi” các trường, để các trường tự lo mà là thay đổi phương thức quản lý. Sự thay đổi rõ nhất là thay vì bao cấp chung chung như trước đây, thì giờ các khoản tiền gắn liền với “đơn đặt hàng” của các cơ quan quản lý và cả đơn vị, doanh nghiệp... cũng như sản phẩm hiệu quả từ các nhà trường đào tạo ra.

Trước tình hình trên, về phía cơ quan quản lý, cần sớm ban hành các văn bản pháp quy liên quan. Trong đó, cần phân định rõ các loại hình cơ sở giáo dục ĐH tự chủ, như: Tự chủ hoàn toàn cả chi thường xuyên và chi đầu tư; tự chủ chi thường xuyên và một phần chi đầu tư; tự chủ chi thường xuyên còn đầu tư vẫn phụ thuộc thêm một thời gian vào Nhà nước… Điều này giúp các trường xác định được lộ trình từng bước tự chủ, rồi có kế hoạch xây dựng lộ trình để tách khỏi sự bao cấp của Nhà nước một cách phù hợp.

Cùng với đó, rõ ràng các trường cũng phải có đủ năng lực, đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu từ những “đơn đặt hàng” đào tạo. Nếu trường nào có năng lực, chủ động trong quá trình đào tạo thì sẽ thích ứng yêu cầu về tự chủ. Qua đó, nguồn thu của nhà trường và nguồn thu của cán bộ, giảng viên sẽ tốt hơn.

Muốn vậy, hàng loạt nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài cần được các trường thực hiện. Đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy gắn với thực tiễn, nhu cầu của xã hội, không đào tạo tràn lan. Cùng với việc mở rộng cơ hội, chất lượng học tập cho sinh viên bằng cách tăng cường liên kết với nhiều trường ĐH trên thế giới, các trường cần chủ động xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

Trong bối cảnh hoạt động tự chủ như hiện nay, các giảng viên ĐH cũng phải tự vận động và đổi mới chính mình, năng động để thích ứng và có thể hoàn thành một khối lượng công việc nhiều hơn, hiệu quả hơn. Bản thân cán bộ, giảng viên có thể tìm kiếm đề tài nghiên cứu khoa học, hợp đồng, “đơn đặt hàng” cho khoa, cho trường, qua đó góp phần làm nên thương hiệu của nhà trường.

Các trường được tự chủ đồng thời phải thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý... Đặc biệt, rất cần công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Đó chính là thước đo năng lực, thương hiệu của nhà trường, góp phần tạo dựng uy tín cho cơ sở giáo dục trong tình hình mới.

Tất cả nhằm bảo đảm hài hòa giữa chất lượng đào tạo, quyền lợi của người học và lợi ích của nhà trường.