Nguy cơ hỏa hoạn ngay trên phố

Đấy là thực tế dễ nhìn thấy và phổ biến, đặc biệt là trong những ngày cận Tết, khi nhiều gia đình đốt các cỗ mũ, quần áo, cá chép giấy cúng ông Công ông Táo; đốt vàng mã nhân việc lễ của gia đình ngày tất niên, đêm Giao thừa, ngày hóa vàng hết Tết.

Hè phố, lề đường được biến thành “điểm đốt lộ thiên”. Có nhà đặt chiếc chậu hay xô kim loại to ra để đốt. Có những nhà để thẳng xuống hè, xuống lề đường. Các món đồ giấy bắt lửa cháy rừng rực, tàn lửa, tro bụi bay tung. 

Việc đốt vàng mã rất tế nhị, liên quan đến đời sống tâm linh của các nhà, gắn với tình cảm thiêng liêng của con cháu hướng về tổ tiên, về ông Công ông Táo, về… trời. Nhưng việc làm này nhất định là có ảnh hưởng không nhỏ đến hàng xóm láng giềng, phố xá, không gian công cộng, nhất là ở các khu đô thị. Tro bay, khói xộc mù mịt, nhiều người đi qua hít phải. Đáng sợ nhất là tàn lửa dễ dàng bắt cháy vào các đồ vật chung quanh, khi mà trên phố có rất nhiều cửa hàng với đủ các mặt hàng chất liệu giấy, vải, gỗ, nhựa… Thế mà nhiều người vẫn cứ điềm nhiên đốt, cháy “liu riu” thì khói mù, khơi bùng lên thì ngọn lửa bốc cao, gió xoáy tàn tro quay tít, nhìn mà hãi! 

Không phải không có cách để việc đốt mã đỡ gây ô nhiễm, đỡ nguy hiểm hơn. Ngoài chợ lâu nay đã bán các thùng hóa vàng bằng nhôm, inox nhiều kích cỡ để đốt mã hạn chế tro bụi, tàn lửa, mà khi đốt người ta phải đốt từ từ chứ không chất cả đống mã đốt ngay được. Ngoài ra, có thể khó cho các nhà trong phố khi đốt các món đồ to hơn như… “ông ngựa”, nhà cửa, xe cộ, tàu bay giấy, thì nên chăng, các nhà có thể mang đến đốt tại các bể hóa vàng ở cơ sở thờ tự gần đó, đương nhiên làm việc này phải xin phép. Khi có ý kiến của chính quyền địa phương với các cơ sở thờ tự để tạo điều kiện cho dân, thì tin rằng việc sẽ thuận lợi.

Gợi ý như trên để thấy rằng, hoàn toàn có cách an toàn hơn so việc đốt mã đáng gọi là bừa bãi hiện nay, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm, nguy cơ hỏa hoạn cao. Trong cả năm với mỗi đợt giỗ chạp, rằm tháng 7…, rất nhiều khu phố, khu dân cư vẫn cứ ở trong tình trạng không thấy chính quyền, ban, ngành chức năng kiểm soát, can thiệp, xử lý cái nếp sinh hoạt nguy hiểm, thiếu văn minh như thế. Lại đến mùa cúng ông Công ông Táo, tất niên, Tết nhất rồi! Các địa phương cơ sở có bắt tay vào giải quyết thực trạng tồn tại suốt nhiều năm này không, các gia đình có ý thức rõ ra và chấp hành hay biết tự điều chỉnh không… Đó là những câu hỏi còn để ngỏ.